Trên hành trình Nam tiến mở cõi giang sơn ghi dấu công lao của nhiều bậc tiền nhân, trong đó có những đóng góp to lớn của các vị tướng lĩnh.
Ở Quảng Ngãi, Chánh đề lãnh Huỳnh Công Thiệu là người có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp, ổn định đời sống nhân dân. Mộ và đền thờ ông được người dân coi sóc, hương khói quanh năm chính là sự ghi nhận đối với những công trạng của ông.
Huỳnh Công Thiệu sinh năm 1518, chưa rõ năm mất, người làng Mộc Thang, xã Cam Già, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), là người giỏi võ, giàu mưu lược. Khi chúa Nguyễn Kim phái Trấn quốc công Bùi Tá Hán vào trấn giữ thừa tuyên Quảng Nam (từ Đà Nẵng vào tới Bình Định ngày nay), Huỳnh Công Thiệu được cử theo. Trong thời gian này, ông đã ra sức chiêu an vùng đất phủ Tư Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi), lập được nhiều công lớn trong việc mộ dân khai hoang, lập làng, đào xẻ kênh ngòi, khuyến khích sản xuất. Chính ông đã đưa lính và chiêu mộ dân nghèo từ các vùng phía Bắc vào đây lập nên các làng An Thường, An Trường, Tân Tự thuộc xứ Lộ Bôi (nay thuộc các xã Phổ Minh, Phổ Ninh, huyện Đức Phổ).
Theo ghi chép của gia phả họ Huỳnh tại Phổ Ninh, tổng số diện tích ruộng đất do Huỳnh Công Thiệu tổ chức khai khẩn lên đến 2 nghìn mẫu ta. Cánh đồng Lộ Bôi rộng lớn với nhiều kênh, đập được hình thành từ thời ông đến nay vẫn là một vùng ruộng đồng phì nhiêu, vựa lúa lớn của vùng nam Quảng Ngãi. Với những công trạng ấy, đời Lê Kính Tông vào năm 1606, Huỳnh Công Thiệu được ban tước Võ sơn hầu, thăng chức Chánh đề lãnh phủ Tư Nghĩa.
Huỳnh Công Thiệu mất tại vùng Lại Giang trên đường đi dẹp thổ phỉ, được đưa về an táng tại Gò Cầy (nay thuộc thôn Nho Lâm, xã Phổ Hòa, Đức Phổ). Sau khi ông tạ thế, con trai trưởng của ông là Huỳnh Công Bảng cùng con cháu và cư dân tiếp tục sự nghiệp mở đất lập làng, xây dựng quê hương. Huỳnh Công Thiệu và con trai Huỳnh Công Bảng được người dân vùng Lộ Bôi tôn làm tiền hiền, lập đền thờ phụng. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân trong vùng đã góp công xây mộ, lập hai đền thờ và dựng bia ghi lại công tích.
Di tích mộ và đền thờ Huỳnh Công Thiệu được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, gồm ba địa điểm: Mộ tọa lạc tại xã Phổ Hòa, một đền thờ tại xã Phổ Minh và một đền thờ tại xã Phổ Ninh. Tại các di tích này còn lưu giữ nhiều hiện vật. Đền thờ ở xã Phổ Ninh còn giữ được tấm bia đá được khắc bằng chữ Hán vào năm Tự Đức thứ 28 (1876). Đền thờ ở xã Phổ Minh còn giữ sắc phong của vua Thành Thái tấn phong cho Chánh đề lãnh Huỳnh Công Thiệu và con trai Huỳnh Công Bảng là bậc tiền hiền của xứ Lộ Bôi. Đây là những hiện vật có giá trị lịch sử quan trọng. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 6 âm lịch, tại hai đền thờ, con cháu họ Huỳnh và nhân dân địa phương lại tổ chức ngày giỗ ông với nhiều nghi lễ trang nghiêm như lễ tế, lễ rước sắc phong bằng kiệu.
Mộ và đền thờ Huỳnh Công Thiệu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (năm 2012). Di tích là niềm tự hào, nơi hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn tiền nhân của người dân Đức Phổ nói riêng, Quảng Ngãi nói chung.
Bút danh PHẠM TUẤN
Đăng trên báo Đắc Lắc, ngày 14.4.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét