Về vùng đất Tây Sơn (tỉnh Bình Định) địa linh nhân kiệt - nơi phát tích của vương triều Tây Sơn lừng lẫy, du khách sẽ được thăm nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng. Đây cũng là địa phương còn lưu lại nhiều dấu ấn của nền văn hóa Chămpa rực rỡ một thời mà cụm tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện là những công trình tuyệt đẹp còn lại đến ngày nay…
Khác với những tháp Chăm khác thường đứng trên đồi cao, tháp Thủ Thiện tọa lạc trên một gò thấp. Tháp nằm ở bờ nam sông Côn, cách sông chưa đầy 1 km; thuộc địa phận thôn Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) nên có tên Thủ Thiện. Trước đây, làng Thủ Thiện có tên Thủ Hương nên sách Đại Nam nhất thống chí còn ghi là Thủ Hương cổ tháp. Các tài liệu của người Pháp viết là Tour de Bronze (tháp Thau).
Về kiến trúc, tháp Thủ Thiện được xây dựng trên một bình đồ hình vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m. Đế tháp khá cao, thân tháp là một khối trụ vuông. Cửa chính của tháp mở về hướng đông. Hiện nay, vòm cửa chính đã sập nhưng ba cửa giả của tháp vẫn còn khá nguyên vẹn. Các cửa giả này có vòm nhọn hình mũi lao xếp thành nhiều lớp, phần trên mỗi cửa có các ô giống như các khám thờ. Cũng như kiến trúc tháp Chăm truyền thống, tháp Thủ Thiện gồm phần thân và ba tầng phía trên mô phỏng thân tháp, có cấu trúc đồng dạng, nhỏ dần về phía trên. Ở bốn góc của mỗi tầng lại được trang trí bằng nhiều tháp nhỏ nhiều tầng cùng các phù điêu, hoa văn tinh xảo.
So với các tháp Chăm khác, tháp Thủ Thiện có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, bên trong thân tháp lại có nhiều nơi đặt tượng thờ, nhiều vết gắn phù điêu (điều ít gặp ở các tháp Chăm khác). Đây là công trình mang đầy đủ nhất những yếu tố đặc trưng của phong cách tháp Chăm Bình Định: kiến trúc có các cửa vòm hình mũi lao cao vút lên, các cột ốp để trơn không trang trí, các tháp góc xếp thành tầng sít lên nhau, có nhiều bệ đặt tượng thờ. Dựa vào kiến trúc này, các nhà nghiên cứu phỏng đoán tháp Thủ Thiện được xây dựng cùng thời các tháp Cánh Tiên, Bánh Ít (khoảng cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12).
Tháp Thủ Thiện là công trình kiến trúc độc đáo mà người Chăm xưa để lại trên đất Bình Định. Ngày nay, trải qua gần mười thế kỷ, dưới sự tàn phá của mưa nắng, tháp đã hư hỏng một phần nhưng vẫn giữ nguyên vẹn được vẻ đẹp thâm trầm. Tháp Thủ Thiện được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1995.
Ngược dòng sông Côn về với miền đất Tây Sơn huyền thoại, sau khi thăm Bảo tàng Quang Trung, cụm tháp cổ Dương Long…, du khách hãy một lần tìm về thăm tháp xưa Thủ Thiện. Về đây, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôi tháp tiêu biểu cho phong cách tháp Chăm Bình Định và thấy được bàn tay tài hoa của người Chăm xưa đã làm nên những công trình tuyệt mỹ để lại cho đời…
PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên báo Đắc Lắc ngày 4.11.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét