“Lãng mạn” là một từ quen thuộc trong tiếng Việt, như trong cách nói “anh ấy là người lãng mạn”, “tình yêu của họ rất lãng mạn”, “chủ nghĩa lãng mạn trong văn học”… Vậy, “lãng mạn” là gì? Nhiều người tin và người viết bài này từng nghe một số người giải thích, rằng: “lãng” nghĩa là “sóng”, “mạn” ở đây là “mạn thuyền”, “lãng mạn” là “sóng vỗ vào mạn thuyền”, vì đặc trưng của “lãng mạn” là cảm xúc dạt dào, cũng như sóng vỗ vào mạn thuyền dập dồi không ngớt. Lại có người cho rằng, “lãng mạn” là “con thuyền trôi trên sóng, cứ lãng đãng, bồng bềnh, vô định; hàm nghĩa chỉ tính chất xa rời thực tế”. Những cách giải thích như thế này lại khá phổ biến, nhất là trên mạng xã hội.
Thật ra “lãng mạn” chẳng liên quan gì đến thuyền bè cả. Nếu có liên quan đi nữa, thì cách kết hợp “lãng mạn” cũng không ổn tí nào. Bởi, trong tổ hợp này, lấy “mạn thuyền” để gọi thay cho “thuyền” đã khập khiễng, kết hợp giữa một yếu tố Hán (lãng) với một yếu tố Việt (mạn) lại càng khập khiễng hơn. Vậy, “lãng mạn” bắt nguồn từ đâu?
Đây là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, chữ “lãng” (bộ thủy - liên quan đến nước) nghĩa là “sóng”, rồi phái sinh nghĩa mang tính chất của sóng nước là “tràn ra, bát ngát” (sau đó còn phái sinh thêm nghĩa chỉ tính cách của người là “phóng túng, buông thả, tùy tiện”). Chữ “mạn” (cũng bộ thủy) cũng tương tự như “lãng”, ban đầu có nghĩa là “nước tràn ra”, rồi phái sinh nghĩa “tràn ra, phủ lấy, bao trùm”, sau đó cũng phái sinh thêm nét nghĩa chỉ tính cách của người là “buông tình, tùy thích, phóng túng”. Như vậy, “lãng mạn” là một tính từ có cấu tạo ghép đẳng lập, mang nghĩa là “tràn ra, mênh mang, bát ngát”.
Đi vào hoạt động hành chức, “lãng mạn” được dùng với nghĩa chuyển và dùng với nhiều nghĩa. Đó là: 1. “thuộc chủ nghĩa lãng mạn, có tính chất của chủ nghĩa lãng mạn”; 2. “có tư tưởng lí tưởng hóa hiện thực và nuôi nhiều ước mơ về tương lai xa xôi”; 3. “có suy nghĩ hay hành động không thiết thực…” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.539).
Cũng cần nói thêm, “lãng” trong “lãng nhách”, “lãng xẹt”, tức “lãng mạn”… quá mức cũng bắt nguồn từ chữ “lãng” vừa nói ở trên.
ThS PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 29.11.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét