1. Truyện Kiều được xem là tập đại thành của văn học Việt Nam thời trung đại. Điều này có cơ sở của nó. Bởi hầu như các phương diện của đời sống được phản ánh trong văn học trung đại nước ta đều có mặt trong tác phẩm vĩ đại này. Hình ảnh những người vợ cùng các mối quan hệ hôn nhân – gia đình – xã hội được thể hiện sinh động, chân thực trong kiệt tác là minh chứng cho nhận định trên.
Chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ đạo đức phong kiến trọng nam khinh nữ, suốt một thời kì dài trong lịch sử văn học nước ta thời trung đại, nhân vật trung tâm của văn học là những bậc hiền nhân quân tử, những nam nhi đại trượng phu với những nói chí, tỏ lòng đã trở thành khuôn sáo. Phải đến giai đoạn nửa sau của văn học trung đại, nhất là từ thế kỷ XVIII trở đi, khi cảm hứng nhân văn trỗi dậy phát triển mạnh mẽ cùng với sự tăng cường chất liệu hiện thực vào trong văn học, hình ảnh người phụ nữ, trong đó có người vợ, xuất hiện với tần số cao trong tác phẩm của nhiều tác giả lớn, trở thành một trong những nhân vật trung tâm của văn học giai đoạn này.
Cùng với Phạm Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du là một trong những nhà thơ viết nhiều, cảm động về người vợ trong xã hội xưa. Trong thơ chữ Hán, ông có bài Ký mộng viết trực tiếp về người vợ cả của mình là bà Đoàn đã mất. Trong Truyện Kiều, ông viết về những người vợ là các nhân vật hư cấu lấy trong văn học Trung Hoa: Thúy Kiều, Thúy Vân, Hoạn Thư… Tất cả đều được khắc họa hết sức thành công. Đặc biệt, qua nghệ thuật xây dựng nhân vật bậc thầy của Nguyễn Du, hình tượng những người vợ ấy đều gặp nhau ở nhiều điểm chung, trong đó có những nét tính cách truyền thống của người vợ Việt trong xã hội phong kiến.
2. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, trong cuộc đời mỗi người vợ đều có một hoàn cảnh khác nhau. Trong Truyện Kiều cũng vậy, các nhân vật người vợ đều có những số phận, cảnh ngộ không giống nhau. Từ hoàn cảnh xuất thân, con đường trở thành vợ cho đến đời sống hôn nhân, mỗi nhân vật người vợ trong tác phẩm đều là một trường hợp cá biệt. Bộ ba nhân vật nữ chính, đồng thời là ba hình tượng người vợ điển hình trong Truyện Kiều là Kiều, Vân, Thư tiêu biểu cho điều này.
Kiều và Vân xuất thân trung lưu, “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”. Trong khi đó, Thư xuất thân quý tộc, là “con quan Lại bộ”, “vốn dòng họ Hoạn danh gia”. Như vậy, về lai lịch xuất thân, những người vợ trong Truyện Kiều đã không hoàn toàn giống nhau. Họ đại diện cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Điều này ít nhiều có liên quan đến số phận của mỗi người.
Con đường đến với hôn nhân của mỗi người vợ trong tác phẩm cũng khác nhau. Thúy Vân lấy chồng trước khi biết yêu, vì giúp chị trả nghĩa chàng Kim mà đành chấp nhận “keo loan chắp mối tơ thừa”. Thúy Kiều mấy lần lấy chồng nhưng đều trong hoàn cảnh éo le: Lấy Mã Giám Sinh là cách bán mình để có tiền chuộc cha và em, lấy Thúc Sinh và Từ Hải khi đang là kĩ nữ. Riêng Hoạn Thư, tác giả không đề cập nhiều đến bối cảnh hôn nhân của nhân vật này. Tuy vậy, qua những dòng “lí lịch trích ngang” ngắn gọn về Hoạn Thư, có thể hình dung người vợ này từng có một cuộc hôn nhân khá may mắn, êm đẹp: Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa / Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày. Chính con đường đến với hôn nhân không giống nhau này ít nhiều đưa đến những số phận, đời sống hôn nhân khác nhau ở mỗi người vợ.
Thúy Vân lấy chồng hiển đạt, con cái đề huề, cuộc sống êm đềm, phẳng lặng (Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bởi nàng là vợ hờ, người vợ trao duyên). Thúy Kiều “giữa đường đứt gánh tương tư”, tấm thân mây trôi bèo dạt, phải làm vợ bao người, khi bị ép vào đường cùng, khi làm vợ lẽ, khi thành kẻ “giết chồng”, cuộc sống hôn nhân có những phút giây hạnh phúc nhưng phần lớn đều chìm trong bi kịch, khổ đau. Hoạn Thư tuy giàu có và quyền lực nhưng cũng gặp nhiều bất hạnh trong hôn nhân: Chồng thường xuyên đi xa, là kẻ sợ vợ nhưng lại lừa dối vợ. Rõ ràng, dù mỗi người vợ có một hoàn cảnh khác nhau nhưng xét cho cùng, họ đều chung một số phận: Những người vợ không hạnh phúc trong đời sống hôn nhân.
Như vậy, mỗi nhân vật người vợ trong Truyện Kiều đều là một trường hợp riêng biệt với những hoàn cảnh, số phận khác nhau. Vân vợ hờ, Kiều “vợ khắp người ta”, Thư là người vợ bất lực. Nguyễn Du là nhà thơ có con mắt hiện thực sắc sảo. Thiên tài thừa hiểu cuộc sống vốn đa dạng, muôn màu. Mỗi nhân vật người vợ mà nhà thơ xây dựng là một hình ảnh độc đáo, cá biệt. Chính điều này đã góp phần làm cho tác phẩm thêm phần sinh động, phong phú và hấp dẫn, trở về gần với hiện thực cuộc sống hơn. Đây cũng là một trong những lí do để khẳng định có một chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều như nhận định của GS. Lê Đình Kỵ.
3. Là những số phận, những cảnh đời khác nhau nhưng hình ảnh người vợ trong Truyện Kiều lại gặp nhau ở nhiều điểm chung. Và từ những điểm tương đồng gặp gỡ này, ta hiểu hơn về tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du đối với người phụ nữ nói chung, người vợ nói riêng trong xã hội xưa.
Trước hết, những người vợ trong Truyện Kiều đa phần đều mang những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của người phụ nữ phương Đông truyền thống. Họ sinh ra trong những gia đình gia giáo, được học hành bài bản, tài sắc vẹn toàn, thông minh và có tâm hồn. Kiều và Vân là những trang giai nhân tuyệt sắc: Vân xem trang trọng khác vời / Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang / Hoa cười ngọc thốt đoan trang / Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da / Kiều càng sắc sảo mặn mà / So bề tài sắc lại là phần hơn / Làn thu thủy, nét xuân sơn / Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh / Một hai nghiêng nước, nghiêng thành. Kiều đa tài (Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm), đa cảm, nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn. Kiều “Thông minh vốn sẵn tư trời” thì Thư cũng giỏi giang, bản lĩnh không kém mà chính Kiều cũng từng nhiều lần thừa nhận: Người đâu sâu sắc nước đời. Không những thế, Thư còn là người biết đạo lí, biết thương tài (nhiều lần cảm động trước tài năng và số phận của Kiều).
Bên cạnh những phẩm tốt đẹp ấy, những người vợ trong Truyện Kiều còn mang trong mình những nét tính cách của người vợ Việt Nam truyền thống. Đó là lòng cam chịu, nhẫn nhục, hi sinh vì hạnh phúc gia đình, biết giữ tròn đạo lí làm vợ. Thúy Vân chấp nhận “mười lăm năm đắm con đò xuân xanh” (Trương Nam Hương, Tâm sự nàng Thúy Vân) sống bên người chồng hờ hững vẫn âm thầm cam chịu để gia đình ấm êm. Hoạn Thư lấy phải người chồng bạc nhược, phản bội nhưng vẫn một lòng giữ trọn phận làm vợ, chưa một lần xúc phạm chồng dù rằng lỗi thuộc về Thúc Sinh, và Thư, với quyền uy của mình, có thể hành xử ngược lại. Chính nàng là người có suy nghĩ rất chín chắn mà không phải người vợ nào cũng nghĩ được: Xấu chàng thì có ai khen chi mình. Thúy Kiều phải nhiều lần làm vợ nhưng dù ở địa vị nào (vợ lẽ của Thúc, phu nhân của “Đại vương tên Hải họ Từ” hay kể cả là người vợ mua về của họ Mã), Kiều vẫn giữ đúng bổn phận của mình, thậm chí nhiều lúc chỉ biết cam chịu một cách tội nghiệp. Với những nét tính cách này, Thư, Vân, Kiều dù xuất thân khác nhau nhưng đều là hình ảnh chung của những người vợ trong xã hội phương Đông vốn chằng chịt những quy định khắt khe của lễ giáo phong kiến mà họ chỉ biết chấp nhận và chịu đựng.
Lẽ ra, với những người vợ đức – tâm – tài – sắc toàn vẹn như vậy, họ xứng đáng được những điều tốt đẹp nhất. Vậy mà tất cả những người vợ trong Truyện Kiều đều ít nhiều mang số phận bất hạnh, khổ đau, không một ai thật sự có một đời sống hôn nhân hạnh phúc, mĩ mãn.
Thúy Vân “thành vợ của chàng Kim / ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao” (Tâm sự nàng Thúy Vân). Chồng nàng suốt 15 năm đề huề gia thất “thê nhi một đoàn” mà vẫn không nguôi tình xưa (Khi ăn ở, lúc vào ra / Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa / Nhớ nàng, nhớ đến bao giờ / Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng / Có khi vắng vẻ thư phòng / Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa), vừa biết tin Kiều đã “Rắp mong treo ấn từ quan / Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua” quyết tâm đi tìm. Cả một thời xuân sắc, sống bên người “chồng hờ” chỉ gắn bó với nhau bằng một chữ duyên (suy cho cùng cũng là duyên ép uổng) và chữ nghĩa, không hề có chữ tình, có lẽ Vân là người vợ chịu nhiều bi kịch trong âm thầm nhất Truyện Kiều. Đó là bi kịch hôn nhân không có tình yêu.
Với Thúy Kiều, những khổ đau trong suốt mười lăm năm lưu lạc “hết nạn nọ, đến nạn kia” đã quá rõ. Trong cuộc sống hôn nhân, dù rằng có đôi lúc hạnh phúc nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua trong cuộc đời dằng dặc chìm trong bất hạnh của Kiều. Xét đến cùng, nàng vẫn là người vợ đau khổ nhất trong tác phẩm: Tình đầu lí tưởng vỡ tan, thất thân với kẻ buôn người đội lốt chồng, chịu cảnh vợ lẽ với bao khổ nhục đọa đày, một phút sai lầm mà khiến chồng thất trận dẫn đến họa diệt thân. Kiều chính là hóa thân của nỗi khổ đau tột cùng của những thân phận người vợ bé mọn, trôi dạt trong xã hội xưa.
Với Hoạn Thư, nhiều người vẫn cho rằng đây là một người vợ tàn độc, ghen tuông mù quáng. Thật ra, ở nhân vật này, đáng thương hơn là đáng trách. Bởi suy cho cùng, Thư cũng là một người vợ khổ đau: Không được chồng yêu thương, gần gũi (trước sau Thúc vẫn là người sợ vợ, thậm chí ác cảm với vợ mình), lại bị lừa dối, phản bội. Cũng như Vân, Thư phải chịu đựng bi kịch hôn nhân không tình yêu. Càng xót xa hơn khi Thư là một người tài giỏi, thông minh, biết suy nghĩ, con nhà quyền uy nhưng lại không thể giữ được trái tim chồng.
Rõ ràng, những người vợ trong Truyện Kiều đều có chung một số phận bất hạnh, bi kịch. Vậy đâu là nguyên nhân của những bi kịch ấy? Nguyễn Du không trả lời trực tiếp, ông để độc giả tự đi tìm lấy đáp án cho mình trên cơ sở những điểm chung gặp gỡ của các nhân vật người vợ mà nhà thơ cố ý thể hiện.
Có một điểm tương đồng quan trọng là nguyên nhân sâu xa của những nỗi đau ấy. Đó là: Những người vợ trong Truyện Kiều đều là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đa thê, trọng nam khinh nữ. Họ phụ thuộc, thụ động trước lễ giáo phong kiến. Và người chồng, hoặc là những kẻ “cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người”, hoặc là những đại diện của đạo đức phong kiến (trừ Từ Hải là một trường hợp duy nhất vượt ra ngoài mọi khuôn phép chật hẹp của lễ giáo), chính là một trong những nguyên nhân gây nên khổ đau cho họ. Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư vẫn chuộc Kiều về làm vợ lẽ. Kim Trọng đã cưới Vân làm vợ, lại con cái đề huề nhưng vẫn không quên tình cũ, vẫn còn yêu và muốn lấy Kiều. Mã Giám Sinh, ngay từ đầu, cưới Kiều đã có động cơ “bán thịt, buôn người” kiếm lợi, thậm chí chiếm đoạt Kiều một cách bẩn thỉu, hèn nhục. Rõ ràng, Nguyễn Du không nói nhiều, nhưng chính nhà thơ đã hé mở cho người đọc những cơ sở để đi tìm nguyên nhân của nỗi đau mà những người vợ trong tác phẩm phải chịu đựng. Về phương diện này, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương xứng đáng là những người đi trước, vượt lên trên thời đại.
4. Người vợ là những hình tượng nhân vật thành công trong Truyện Kiều. Trong kiệt tác này, cùng với Thúc Sinh, Từ Hải, bộ ba Thư, Vân, Kiều được xem là những điển hình mẫu mực trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Cả ba đều là những nhân vật có tính cách trọn vẹn, thống nhất và mang những sắc thái riêng biệt. Thúy Kiều thông minh, đa cảm, là “giống hữu tình”, luôn ý thức về quyền sống và giá trị bản thân. Hoạn Thư quyết đoán, bản lĩnh, “sâu sắc nước đời”. Thúy Vân tưởng như hờ hững, giản đơn nhưng thật sự là người vợ cam chịu, biết thấu hiểu, hi sinh. Cả ba người vợ đều được miêu tả một cách chân thực, sinh động, là những nhân vật độc đáo, riêng biệt, gây được ấn tượng mạnh mẽ và có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du thành công trên nhiều phương diện của nghệ thuật xây dựng nhân vật, trong đó, ngôn ngữ và tâm lí nhân vật được xem là đỉnh cao của một tài năng bậc thầy. Diễn biến tâm lí của Kiều trong đêm bị tên chồng buôn người họ Mã chiếm đoạt, trong buổi trốn chạy khỏi “địa ngục ở miền trần gian” tại nhà vợ cả Hoạn Thư, trong những ngày ngóng chồng Từ Hải vẫn còn “cánh hồng bay bổng tuyệt vời”…; hay diễn biến tâm trạng của người vợ Hoạn Thư lúc biết tin “vườn mới thêm hoa”, khi biết hoàn cảnh đáng thương của người vợ bé… được xem là những điển hình mẫu mực trong nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật của Nguyễn Du mà không phải tác giả nào cũng vượt qua được.
Đặc biệt, ngôn ngữ nhân vật là một thành công rực rỡ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Mỗi nhân vật người vợ trong tác phẩm đều có một ngôn ngữ nhân vật riêng, mang đậm dấu ấn tâm lí và tính cách cá nhân, có sự thay đổi theo hoàn cảnh sống, được thể hiện hết sức hợp lí, ấn tượng. Có lẽ người đọc không thể nào quên những màn đối thoại gai góc, bốp chát của Kiều đối với Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh…, những lời tâm tình của Kiều với chồng Thúc Sinh, Từ Hải. Cũng vậy, ngôn ngữ đối thoại của người vợ Hoạn Thư đối với chồng cũng để lại ấn tượng bởi sự sắc sảo, khôn khéo của người vợ mà chính họ Thúc cũng phải thừa nhận “thấp cơ thua trí đàn bà”. Đặc biệt, cuộc đối đáp giữa hai người vợ Kiều, Thư trong màn báo ân báo oán là một đỉnh cao mà có lẽ không ai đọc Kiều mà không nhớ, ấn tượng và thán phục tài năng của Nguyễn Du.
Riêng về Thúy Vân, ngôn ngữ của nhân vật người vợ này không phong phú bằng. Nàng chỉ hiện lên trong tác phẩm ở vài cảnh với một số không nhiều các lượt thoại. Tuy vậy, ngôn ngữ của Vân vẫn có những nét bản sắc riêng, phù hợp với tính cách và hoàn cảnh. Trong đó, những lời rào đón ở màn đoàn viên là một trường hợp tiêu biểu.
5. Viết về những người vợ trong xã hội xưa, Nguyễn Du dành cho họ những tình cảm đặc biệt. Đó là tấm lòng xót thương, cảm thông và thấu hiểu những nỗi đau mà những người vợ bé nhỏ, thụ động, bất lực trong xã hội phong kiến coi thường phụ nữ phải chịu đựng. Nhà thơ đau nỗi đau của họ và băn khoăn đi tìm nguyên nhân của những nỗi đau ấy. Bất lực trước những ngả đường đi tìm nguyên nhân ấy, đã nhiều lần chính thi nhân thở dài: Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Những người phụ nữ trong Truyện Kiều, bên cạnh một nàng Kiều-kỹ nữ, còn có một nàng Kiều-người vợ, cùng Hoạn Thư, Thúy Vân là những người vợ khổ đau mà Nguyễn Du đã dành nhiều sự đồng cảm về hoàn cảnh.
Ngày nay, những tên gọi Thúy Kiều, Thúy Vân, Hoạn Thư đã vượt ra ngoài giới hạn một tác phẩm văn học để đi vào đời sống ngôn ngữ và văn học dân tộc. Mỗi nhân vật đều để lại ấn tượng, có sức sống bền bỉ trong lòng độc giả. Có được điều này là bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình của nhà thơ. Nhưng quan trọng hơn, qua tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du, họ hiện lên như là hình ảnh đại diện tiêu biểu cho những người vợ khổ đau, bất hạnh trong xã hội xưa. Bộ ba Thư, Vân, Kiều được xem là những hình tượng người vợ thành công trong văn học nước ta thời trung đại.
PHẠM TUẤN VŨ
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 522
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét