Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

VÌ SAO GỌI "KIM CHỈ NAM"


Có lẽ không ít người từng băn khoăn rằng, vì sao có “kim chỉ nam” mà không có “kim chỉ bắc”(hay “chỉ đông”, “chỉ tây”). Bởi, đã có “chỉ nam” thì ắt sẽ có tiền giả định “chỉ bắc”. Hơn nữa, do đặc thù về cấu tạo và nguyên lí hoạt động, cây kim của la bàn luôn chỉ về hướng Bắc mà thôi. Vậy từ đâu có tổ hợp này?

“Kim chỉ nam” vốn là một cụm từ. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, nó được dùng như một từ cố định. Thực tế, nhiều từ điển tiếng Việt ghi nhận đây là một từ, tiêu biểu như Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên). Ở trang 524, từ điển này định nghĩa: Kim chỉ nam là “kim chỉ hướng trong la bàn; thường dùng để ví sự chỉ dẫn đúng đắn về phương hướng, đường lối”. Tuy nhiên giờ đây, “kim chỉ nam” chủ yếu được sử dụng với nét nghĩa thứ hai và dùng rất phổ biến. Ví như, báo Bình Định điện tử ngày 22.10.2013, ở bài Lắng nghe bà con nói, có câu: “Ông Tịnh còn lấy suy nghĩ đó làm kim chỉ nam để rèn mình khi tham gia các hoạt động xã hội”.

“Kim chỉ nam” bắt nguồn từ tiếng Hán. Tiếng Hán có một tổ hợp mà âm Hán Việt hiện đại của nó là “chỉ nam châm”. Người Việt đã đối dịch yếu tố “châm” (nghĩa là “cây kim”) để thành “kim chỉ nam”. Trong tiếng Việt còn có từ “nam châm”. Nghĩa của nó là “vật có đặc tính hút sắt”. Tuy nhiên, ban đầu, “nam châm” vốn là “chỉ nam châm”, như đã biết, cây kim của la bàn thuở sơ khởi.

Vậy, từ đâu mà có “chỉ nam châm”? Như đã biết, la bàn là một phát minh vĩ đại của người Trung Hoa. Trong la bàn, cây kim chỉ hướng là vật quan trọng nhất. Cho nên, tên của nó được hoán dụ để gọi tên cho cả la bàn. Về tên gọi “chỉ nam châm”, có nhiều giả thuyết. Một trong đó là giả thuyết cho rằng lợi dụng đặc tính chỉ hướng Nam - Bắc của la bàn, nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa, bắt đầu từ đời nhà Tần, đã tăng cường xuống phương Nam bằng các cuộc viễn chinh với những đạo quân bao giờ cũng có chiếc la bàn chỉ hướng Nam bên mình và mục đích lúc nào cũng hướng về phương Nam thẳng tiến. Vì la bàn được dùng để định hướng tiến quân về phương Nam nên dần dần, nó được gọi là “chỉ nam châm”.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 1.11.2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét