Trong dòng thơ thiếu nhi Việt Nam, thơ viết về đề tài Tết Trung thu chỉ giữ một vị trí khá khiêm tốn. Số lượng tác phẩm còn ít và thành tựu nghệ thuật chưa nhiều. Tuy vậy, thơ thiếu nhi viết về Trung thu vẫn có những bài hay, được nhiều thế hệ độc giả, nhất là những bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích.
1.
Người viết thơ Trung thu hay và sớm nhất cho thiếu nhi có lẽ là Bác Hồ. Sinh thời, mỗi dịp Tết Trung thu về, Bác thường viết thư gởi cho thiếu niên, nhi đồng cả nước.
Trong những bức thư chúc Tết Trung thu này, Người thường lồng vào nội dung thư những dòng thơ, trong đó có nhiều bài hoàn thiện, trở thành tác phẩm thơ giá trị, xúc động, được trẻ em các nước yêu quý, thuộc lòng. Chẳng hạn, Trung thu năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, từ chiến khu Việt Bắc, Bác viết thư gởi thăm đến thiếu nhi ba miền. Mở đầu bức thư, Người làm 4 dòng thơ lục bát đơn sơ mà hết sức cảm động: Trung thu trăng sáng như gương / Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng / Sau đây Bác viết mấy dòng / Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.
Trung thu năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi to lớn trên mọi mặt trận, Bác Hồ phấn khởi viết thư chia vui với thiếu nhi cả nước. Trong thư, Người viết một bài thơ dài với âm hưởng lạc quan, tươi vui để nói lên tình yêu thương của mình đối với các em: 9 tết Trung thu / 8 năm kháng chiến / Các cháu khôn lớn / Bác rất vui lòng / Thư này Bác gởi thơ chung / Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa… Các cháu vui thay / Bác cũng vui thay / Thu sau so với thu này vui hơn…
2.
Từ những vần thơ của Bác, thơ viết cho thiếu nhi về đề tài Trung thu trong văn học Việt Nam luôn được tiếp nối qua các thời kì với một số tác phẩm gây được sự chú ý trong công chúng văn học. Có thể điểm qua một số trường hợp sau:
Trần Đăng Khoa có nhiều bài hay về vầng trăng của tuổi thơ, trong đó có một số bài viết về trăng rằm. Đó là những vầng thơ ngộ nghĩnh, trong sáng, giàu cảm xúc và hình ảnh. Chẳng hạn: Đêm nay trăng đang rằm / Trăng như cái mâm con / Ai treo ông cao thế / Ông nhìn đàn em bé / Muốn khoe có mặt tròn (Trông trăng).
Viết về không khí rộn ràng, đầm ấm của cả gia đình khi chuẩn bị cỗ Trung thu cho bé, Trọng Báo có bài Trung thu của bé làm theo thể 4 chữ, mang nhịp điệu nhanh và âm hưởng tươi vui: Trung thu của bé / Cả nhà đều lo / Bố mua ô tô / Mẹ mua bánh dẻo / Bà thì khéo léo / Gọt bưởi, gọt hồng / Làm con chó bông / Bày lên mâm cỗ / Bé vui hớn hở / Nhận quà: Cảm ơn / Bé càng xinh hơn / Trung thu của bé.
Viết về không khí rộn rã, háo hức của đêm rằm tháng 8, Nguyễn Lãm Thắng có bài Đêm Trung thu giàu hình ảnh, âm thanh và nhạc điệu, với tiết tấu nhanh vui như một ca khúc rộn ràng: Nắm tay hát vang lên nào / Đêm Trung thu đẹp biết bao / Nắm tay múa vui đêm này / Bạn ơi, bốn phương về đây […] Tùng rinh rinh / Tiếng trống vang vang / Tùng rinh rinh / Nhịp trống rộn ràng…
Đối với các em thiếu nhi, bên cạnh được đi xem lân, rước đèn ông sao, niềm vui của Tết Trung thu còn là được nhận quà, phá cỗ. Lê Huy Hòa có bài Quà Trung thu bằng thể thơ lục bát miêu tả khá thành công mâm cỗ và những món quà Trung thu mà mẹ, bố tặng bé qua cái nhìn trẻ con ngộ nghĩnh, đáng yêu: Mẹ tặng mâm cỗ Trung thu / Mấy quả hồng đỏ đánh đu trong vườn / Bánh nướng, bánh dẻo xênh xang / Kẹo xanh, kẹo đỏ xếp hàng trước sau / Bố về tặng bé đèn sao / Thêm anh trống ếch đụng vào… kêu vang / Ông trời thấy thế vội vàng / Thắp đèn trăng sáng tặng đàn cháu chơi.
Bằng thể thơ 5 chữ có sở trường trong việc kể chuyện, Tử Nhi kể lại sinh động, hấp dẫn những đêm rằm Trung thu một thuở ấu thơ của mỗi người qua những vần thơ vui tươi, tưng bừng: Rằm Trung thu vừa đến / Trẻ con náo nức nhiều / Thắp lồng đèn bằng nến / Cười rộn rã, đáng yêu / Ngay từ buổi ban chiều / Lòng trẻ thơ náo nức / Mong lồng đèn thật nhiều / Đỏ, xanh, vàng đủ sắc […] (Trung thu tuổi thơ).
Với trẻ con, Tết Trung thu bao giờ cũng là niềm ước mong, chờ đợi với những cảm xúc háo hức, rộn ràng. Quỳnh Chi đã thể hiện thành công nét tâm lí trẻ thơ ấy trong bài Lòng như rộn ràng hơn: … Lòng như rộn ràng hơn / Ồ, Trung thu đang đến / Được cho nhiều quà bánh / Được đưa đi chơi xa / Được gặp chị Hằng Nga / Và chú Cuội ngơ ngác / Được cùng nhau múa hát / Dưới ánh trăng tròn tròn.
Trung thu luôn gắn với vầng trăng rằm tròn sáng lung linh, với những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội. Bùi Văn Bảo trong bài Chị Hằng không xuống đã thể hiện một cách sinh động những thắc mắc, băn khoăn ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng thật đáng yêu của những cậu bé hay tưởng tượng và có tâm hồn nhân hậu: … Trung thu trăng của ông trời / Kéo quân đèn xếp của người trần gian / Hôm qua mẹ bảo con rằng / Đêm nay sẽ có chị Hằng xuống đây / Khuya rồi không thấy mẹ ơi / Chị Hằng không xuống buồn ơi là buồn / Hay là chị ở đấy luôn / Trần gian xa thẳm hàng muôn dặm đường / Hay là chị chẳng luyến thương / Có thằng em nhỏ này đương mong chờ.
Hay như trong bài Cuội cười, qua cái nhìn của lăng kính tuổi thơ, bằng giọng tâm tình như đang chuyện trò cùng các bé, Nguyễn Loan đã khắc họa hình tượng chú Cuội đáng yêu trong đêm Trung thu: Cuội không nói dối nữa rồi / Trung thu trăng sáng được ngồi cây đa / Biết vâng lời chị Hằng Nga / Chăn trâu thôi để trâu ra phá đồng / Cuội cười bé có thích không / Miệng toe toét, mắt sáng bừng niềm vui / Khiến cây đa Cuội đang ngồi / Cũng rung rinh lá mà rơi hết… buồn…
Bên cạnh quà bánh, đèn lồng, vầng trăng, chị Hằng, chú Cuội, đêm Trung thu còn có con lân. Đó là một trong những biểu tượng không thể thiếu của đêm hội Rằm tháng 8. Không chỉ nhắc qua, Nguyễn Lãm Thắng còn có hẳn một bài thơ viết về đội lân của các em nhỏ với những vần thơ ngộ nghĩnh: Thằng Top mập nhất xóm / Làm ông địa mới hay / Đeo mặt nạ thật hóm / Quạt phe phẩy trên tay / Bạn Zôn cao nhất bầy / Lại là con nhà võ / Chân tay mới thật tài / Cầm đầu lân hùng hổ… (Đội lân xóm em).
Qua cái nhìn nhân hóa “mọi vật đều có tâm hồn” của trẻ, đêm rằm Trung thu hiện lên thật rộn ràng, vui nhộn với sự góp mặt của nhiều loài. Vũ Xuân Quản trong bài Đêm Trung thu đã thể hiện thành công không khí vui tươi của thế giới thần tiên ấy: Trung thu dãy cỗ cô bày / Mâm vàng đón Tết đơm đầy ánh trăng / Đèn hoa lấp lánh cung Hằng / Muôn loài hớn hở theo trăng kéo về / Đón trăng là mấy anh hề / Bụng to đầu trọc mồm toe toét cười / Giữa mâm là núi hồng tươi / Xung quanh chuối bưởi, đứng ngồi chen nhau […] Hổ, voi, trâu nước, tê tê / Đang cười sư tử vụng về vuốt râu […] Từ vùng ôn đới… cá tầm / Theo đuôi cá chép cũng nằm chơi trăng / Bà còng bỗng chốc trẻ măng / Múa theo lũ trẻ tắm trăng chơi đùa / Nhịp kèn nương gió đung đưa / Rằm thu già trẻ như vừa mới trăng.
3.
Theo nhận định của TS. Lê Nhật Ký, “thơ thiếu nhi Việt Nam viết về Tết Trung thu chưa nhiều, và còn ít bài hay”.
Về số lượng, thơ viết về Trung thu chiếm tỉ lệ quá khiêm tốn so với thơ thiếu nhi viết về các đề tài khác (thầy cô, mái trường, đồ vật, loài vật, hoa quả cỏ cây, cuộc sống xung quanh…).
Tuy vậy, nhìn trên đại thể, thơ thiếu nhi đề tài Trung thu cũng đạt được những thành công nhất định trong việc thể hiện không khí tươi vui, rộn ràng của ngày Tết Trung thu cũng như nhiều cung bậc tình cảm, nét tâm lí hồn nhiên, mơ mộng, đáng yêu của các em thiếu nhi bằng những vần thơ trong sáng, giàu hình ảnh. Trong thực trạng mảng thơ thiếu nhi đề tài Trung thu đang thiếu hụt như hiện nay, những vần thơ ấy thật đáng trân trọng biết bao.
Phạm Tuấn Vũ
(Trường Cao đẳng Quảng Ngãi)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 517
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét