Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

THĂM NƠI BÁC HỒ GẶP PHỤ THÂN LẦN CUỐI


Về miền đất võ Bình Định, du khách đừng quên đến thăm Di tích huyện đường Bình Khê. Đây là nơi thân phụ Bác Hồ từng làm quan tri huyện, cũng là nơi Bác Hồ gặp phụ thân lần cuối.

Bình Định là một trong bốn địa phương trên cả nước (cùng với Nghệ An, Huế và Đồng Tháp) là nơi ghi những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc, được xây dựng nhà lưu niệm. Đây cũng là nơi chứng kiến cuộc chia tay lịch sử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và thân phụ của mình.

Theo các tài liệu lịch sử, năm 1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Ngày 1-7-1909, ông được bổ làm Tri huyện huyện Bình Khê (thành lập năm Đồng Khánh thứ ba 1888, nay là huyện Tây Sơn). Trước khi vào đây nhậm chức, ông đã gửi con trai của mình là Nguyễn Tất Thành vào Quy Nhơn trước để theo nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nổi tiếng) học thêm văn hóa và tiếng Pháp. Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn hơn một năm, nhiều lần lên Bình Khê thăm cha.

Trong thời gian làm Tri huyện ngắn ngủi chưa đầy một năm, cụ Nguyễn Sinh Sắc để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Bình Khê về một vị quan yêu nước thương dân, thanh liêm chính trực. Với quyền hạn của mình, cụ luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực người nghèo, tìm cách giúp đỡ những người yêu nước. Cụ tha cho người dân thiếu nợ địa chủ, trừng trị bọn cường hào ác bá, lưu manh trộm cắp. Vì những việc làm này, cụ bị bọn địa chủ căm ghét và triều đình nghi ngờ. Cụ bị giáng liền bốn cấp vì bị một tên địa chủ kiện trong một vụ tranh chấp. Ngày 17-1-1910, cụ Phó bảng bị cách chức, đưa về Huế để chờ xét xử.

Trong thời gian thân phụ làm quan tại Bình Khê, người con Nguyễn Tất Thành lên thăm cha vài lần, sau đó từ biệt cha để về lại Huế trước khi vào Nam bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Bình Khê là nơi Bác Hồ và phụ thân gặp nhau lần cuối (bởi sau 30 năm bôn ba biển Á trời Âu, năm 1941, Bác Hồ về nước thì thân phụ của Người đã qua đời). Chính nơi đây, cụ Phó bảng và con trai đã sống những ngày sum họp đẹp đẽ cuối cùng, Nguyễn Tất Thành được cha căn dặn về những lẽ sống lớn. Cũng chính nơi đây, vùng đất của núi sông hùng vĩ, với những con người hào sảng quật cường, nơi dấy lên phong trào Tây Sơn lừng lẫy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành càng được hun đúc ý chí và tinh thần yêu nước. Đây là vinh dự mà nhân dân Bình Định rất đỗi tự hào.

Huyện đường Bình Khê được đặt ở thôn Đồng Phó (nay là thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Huyện đường trước đây đơn sơ, chỉ là một gian nhà nhỏ xây bằng gạch, khung gạch, mái tranh, nền đắp cao, lát gạch thường. Trải qua sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, dấu vết của huyện đường ngày nay không còn nhiều. Năm 2000, huyện đường được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Năm 2015, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc xây trên nền cũ của huyện đường được khánh thành với tổng diện tích 2,61 ha, gồm các hạng mục: điện thờ, nhà lưu niệm, nhà bia di tích. Khu tưởng niệm đã trở thành địa chỉ văn hóa của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.

Về Bình Định, du khách có thể ngược dòng sông Côn (con sông lớn nhất tỉnh), theo Quốc lộ 19 (đường lên Tây Nguyên) đến thăm Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để hiểu hơn về thân phụ của Bác Hồ, một vị quan thanh liêm chính trực, hết lòng yêu nước thương dân, một người cha cao cả đã có những ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bút danh TƯ HƯƠNG
Đăng trên mục "Lịch sử - Truyền thống", báo Đắc Lắc ngày 6.10.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét