Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

"QUỐC KHÁNH" LÀ GÌ?


Chúng ta vừa trải qua những ngày nghỉ lễ Quốc khánh. Có ngày này là bởi vào ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Ðình (Hà Nội) thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, ngày 2.9 hàng năm trở thành ngày Quốc khánh của nước ta.

Vì sự kiện trên, và thực tiễn nguồn gốc của ngày quốc khánh ở nhiều nước (cũng giống như Việt Nam), không ít người nhầm “quốc khánh” là “ngày nước được thành lập”, hay “ngày khai sinh ra nước”, “ngày nước ra đời”...

Thật ra, “quốc khánh” không liên quan gì đến nét nghĩa “ra đời, thành lập, khai sinh” cả. Vấn đề nằm ở chữ “khánh”. “Khánh” là một yếu tố Hán Việt. Trong tiếng Hán, chữ “khánh” thuộc bộ tâm (quy định nét nghĩa liên quan đến tâm trạng, cảm xúc, tính cách), nghĩa gốc là “mừng” rồi chuyển loại mang nghĩa “chúc mừng” (động từ) và “việc mừng, lễ mừng” (danh từ). Cho nên, ta có: khánh hỷ là “vui mừng”, khánh thọ là “mừng thọ”, khánh thành là “mừng [vì đã] hoàn thành”, khánh chúc, khánh hạ là “chúc mừng”, khánh tiết là “lễ mừng”...

Quốc khánh có nghĩa là “việc mừng, lễ mừng của nước”. Việc “khai sinh ra một nước” có thể xem là “việc mừng” lớn nhất của nước đó nên mới được gọi là “quốc khánh”. Cho nên, Từ điển tiếng Việt mới định nghĩa “quốc khánh” là “lễ chính thức lớn nhất của một nước (thường kỷ niệm ngày có sự kiện được coi là trọng đại nhất trong lịch sử)” [Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội, 1992, tr.799]. Như vậy, nghĩa gốc của từ “quốc khánh” là “lễ mừng của nước”, rồi hoán dụ thu hẹp thành nghĩa “lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử một nước”. Còn nét nghĩa “sự ra đời, sự thành lập của một nước” là do sự trùng hợp thực tiễn mà thôi.

Trở lại với chữ “khánh”. Chữ này có nghĩa “mừng vui”, mang sắc thái nghĩa dương tính, được xem là “mỹ tự”. Cho nên, chữ này được dùng nhiều trong việc đặt tên người, tên đất. Chẳng hạn, ở Bình Ðịnh ta có địa danh xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) có nghĩa tạm hiểu là “nhân hòa và mừng vui”. Hoặc như, ở TP Quy Nhơn có chùa Long Khánh có nghĩa là “hưng thịnh và mừng vui”. Ðịa danh tỉnh Khánh Hòa cũng dùng chữ “khánh” này, với nghĩa “mừng vui và thuận hòa”. Vị hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ. Khi lên ngôi, ông lấy niên hiệu là Ðồng Khánh với hàm nghĩa là “cùng chung niềm vui mừng”. 

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 3.9.2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét