Trong ngôn ngữ hằng ngày, nhiều người không phân biệt được “chuyền” và “truyền” nên dẫn đến sử dụng nhầm lẫn hai từ này; chẳng hạn: truyền bóng, chuyền máu, chuyền dịch… Nguyên nhân chủ yếu là bởi hai từ này có âm đọc gần nhau. Hơn nữa, ý nghĩa của chúng cũng không có sự tách bạch rõ ràng.
Có điều này là bởi, xét về từ nguyên, “chuyền” có nguồn gốc từ chính “truyền”. Trong tiếng Hán, “truyền” (bộ nhân) có nghĩa là “từ chỗ này giao cho chỗ kia, từ đời trước để lại đời sau, lan ra xa”. Khi vào tiếng Việt, một mặt nó được Việt hóa hoàn toàn với âm đọc và ý nghĩa là “truyền” như chúng ta dùng hiện nay; mặt khác, nó bị biến thể thành “chuyền”.
Dĩ nhiên, sự biến đổi này dẫn đến sự thay đổi nhất định về nghĩa (vì nếu không có điểm khu biệt nào so với “truyền”, “chuyền” sẽ bị quy luật chọn lọc của ngôn ngữ đào thải). Có thể phân biệt “chuyền” và “truyền” trên mấy phương diện sau:
Về đối tượng kết hợp, “chuyền” thường kết hợp với những đối tượng rời, hình dạng cố định, cụ thể, có thể thấy được; ví dụ: chuyền bóng, chuyền nhau tờ báo, chú khỉ chuyền từ cành này sang cành khác,… Còn “truyền” thường kết hợp với những đối tượng nguyên khối, hình dạng không cố định hoặc trừu tượng, không thể nhìn thấy; ví dụ: truyền máu, truyền dịch, truyền bệnh, truyền điện, truyền nhiệt, truyền thanh, truyền hình, truyền tin, truyền nghề…
Về khả năng kết hợp, vì “truyền” là từ Hán Việt nên chủ yếu kết hợp với các yếu tố Hán Việt khác (để tạo nên những tổ hợp Hán Việt có tính chất khái quát, trừu tượng); ví như: gia truyền, truyền thống, truyền kiếp, truyền kỳ, lưu truyền, thất truyền, chân truyền, truyền bá, truyền đạt, truyền thụ, truyền giáo, truyền đạo, di truyền, truyền cảm, truyền thông, truyền nhiễm, truyền thần… Trong khi đó, “chuyền” là từ Việt (gốc Hán biến thể) nên chủ yếu kết hợp với các từ thuần Việt để tạo nên những tổ hợp mang tính chất cụ thể, sinh động; chẳng hạn: bóng chuyền, băng chuyền, đường chuyền, chim chuyền cành, chuyền tay nhau…
Tóm lại, cùng một gốc và cùng mang nghĩa “từ chỗ này chuyển đến chỗ kia” nhưng “truyền” là từ Hán Việt, có khả năng kết hợp rộng và số lượng kết hợp lớn với những đối tượng trừu tượng hoặc không có hình dạng cụ thể. Ngược lại, “chuyền” là từ gốc Hán bị biến thể thành tiếng Việt, khả năng kết hợp hạn chế, số lượng kết hợp cũng không nhiều, chủ yếu đi với một số đối tượng cụ thể.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 29.8.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét