Để chỉ loại quả có tên gọi trong phương ngữ miền Bắc là “mướp đắng”, ở miền Trung và miền Nam, một số nơi gọi “ổ qua”, một số nơi thì gọi “đỗ qua”, một số nơi lại gọi “khổ qua”. Vậy, đâu mới là “tên cúng cơm” của loại trái này?
Tôi tin rằng, từ đúng phải là “khổ qua”.Vậy, “khổ qua” có nghĩa là gì và có liên hệ gì với từ “mướp đắng”?
“Khổ qua” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “khổ”, tự dạng gồm bộ thảo ở trên, chữ cổ ở dưới, nghĩa gốc là “đắng, vị đắng”, rồi phái sinh nghĩa ẩn dụ “cảnh cực nhọc, vất vả”. “Khổ” trong “nghèo khổ”, “khổ cực”, “đau khổ”, “khổ sở”, “khổ tâm”… trong tiếng Việt đều từ chữ “khổ” này mà ra. Ta lại có thành ngữ “khổ tận cam lai”, nghĩa gốc là “đắng hết thì ngọt đến”, nghĩa chuyển là “hết lúc cực nhọc sẽ đến lúc sướng vui”.
“Qua” trong tiếng Hán vừa là bộ thủ vừa là chữ, có nghĩa là “dưa, các thứ dưa có quả đều là qua” (Thiều Chửu,Hán Việt tự điển, tái bản lần 5, Thiều Chửu, Nxb Thanh Niên, 2010, tr.482). Trong tiếng Hán, có nhiều loại quả mà tên gọi đều có chung một chữ “qua” này. Chẳng hạn, “tây qua” là dưa hấu (còn được gọi là “dưa hồng”), “nam qua” là “bí đỏ” (miền Bắc gọi “bí ngô”), “mộc qua” là “đu đủ”, “đông qua” là “bí đao”, “ty qua” là “mướp”,“hoàng qua” là “dưa chuột”, “phật thủ qua” là “su su”,…
Vậy, “khổ qua” tức là “dưa [có vị] đắng” mà phương ngữ miền Bắc ta có tên gọi tương đương là “mướp đắng”. Cả “khổ qua” trong tiếng Hán và “mướp đắng” trong tiếng Việt đều có cùng một phương thức định danh. Đó là lấy đặc điểm nổi bật, tiêu biểu của sự vật để gọi tên cho sự vật đó. Đây là phương thức định danh phổ biến trong các ngôn ngữ. Còn “ổ qua”, “đỗ qua” có lẽ là do đọc lệch âm “khổ qua”mà thành. Vì trên thực tế, chúng chỉ xuất hiện trong lời nói hàng ngày chứ không được ghi nhận trong các cuốn từ điển tiếng Việt.
Xin kể thêm một chút với chuyện dưa mướp, ta có điển tích “qua điền lý hạ”. Điển này được rút gọn từ câu thơ“qua điền bất nạp lý/ lý hạ bất chính quan” trong bài Quân tử hành của Tào Thực. Câu thơ này có nghĩa “đừng sửa dép ở ruộng dưa, chớ sửa mũ dưới cây mận” (vì nếu làm như vậy sẽ dễ khiến người khác nghi ngờ, thậm chí vu cho mình trộm dưa, mận). Điển này khuyên người ta cần thận trọng trong những hoàn cảnh nhạy cảm để tránh bị hiềm nghi, mang vạ. Truyện thơ Quam Âm Thị Kính có hai câu: “Ngán thay sửa dép ruộng dưa/ Dẫu cho ngay chết cũng ngờ rằng gian” là lấy ý từ điển tích này.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 2.8.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét