Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

"HẰNG NGA" HAY '"THƯỜNG NGA"?


Trong thần thoại của người Trung Hoa, có một nhân vật khá quen thuộc với người Việt là chị Hằng. Trong văn học, “chị Hằng” (và những biến thể khác như “ả Hằng”) là điển cố mang hàm nghĩa chỉ mặt trăng. Ít người biết rằng chị Hằng còn có một tên nữa là “Thường Nga” (Lý Thương Ẩn có bài tứ tuyệt Thường Nga nổi tiếng dùng tên gọi này).

Tên “khai sinh” của chị Hằng là “Hằng Nga”, “Thường Nga” là tên phát sinh sau này. Điều này bắt nguồn từ đời Hán, để tránh phạm húy tên vua Hán Văn Đế (tên thật là Lưu Hằng), dù hai chữ “hằng” này khác bộ thủ (“hằng” trong “Hằng Nga” bộ nữ; “hằng” trong “Lưu Hằng” bộ tâm), người ta đổi “Hằng Nga” ra thành “Thường Nga”. Nhưng vì sao có thể đổi được như vậy, trong khi hai chữ “hằng” và “thường” có âm đọc không thật gần gũi?

Nguyên nhân bởi “hằng” và “thường” là hai từ đồng nghĩa trong tiếng Hán. “Thường” (bộ cân) có nghĩa là “lâu dài, có mãi, không đổi”. “Thường” trong “Thường Nga” là chữ “thường” bộ cân này nhưng cũng có lúc thêm vào bộ nữnhằm khu biệt để chỉ riêng “chị Hằng”. “Hằng” trong “Hằng Nga” thuộc bộ nữ, vốn chỉ để gọi tên vợ Hậu Nghệ. Chữ này đồng âm với chữ “hằng” (bộ tâm), cũng có nghĩa là “có mãi, còn luôn” (như trong vĩnh hằng, hằng số,hằng đẳng thức). Trong tiếng Việt có những tổ hợp tương đương như thường ngày/ hằng ngày/ thường nhật; hằng năm/ thường niên… là bắt nguồn từ hai chữ này.

Lẽ ra, “hằng” trong “Hằng Nga” và “thường” trong “Thường Nga” không liên quan gì về nghĩa. Nhưng chúng lại “bắt cầu” với nhau thông qua chữ “hằng” (bộ tâm) (một bên đồng âm, một bên đồng nghĩa). Cho nên, “Hằng Nga” mới đổi ra “Thường Nga” được. Tuy nhiên, so với “Hằng Nga”, tên gọi “Thường Nga” không phổ biến bằng. Và cũng không có dạng gọi tắt “chị Thường” như “chị Hằng”. Vì “Thường Nga” vốn không phải là tên gọi ban đầu.

Khi vào trong tiếng Việt, so với “hằng”, “thường” một mặt giữ nguyên nét nghĩa “luôn luôn, có tính lặp lại” (như trong vô thường, thường trực); mặt khác, lại giảm cấp về cường độ nghĩa. “Thường” gần nghĩa với “thường xuyên” - có mức độ thấp hơn so với “hằng” - nghĩa là cố định, không thay đổi, sai lệch gì nữa.

Có thể thấy rõ điều này qua hai cách nói sau: 1. “Mẹ hằng mong con”; 2. “Mẹ thường mong con”. Giáng cấp về nghĩa (hoặc tăng cấp, thay đổi phạm vi, sắc thái nghĩa) là một trong những cách biến hóa mà ông bà ta Việt hóa lớp từ vay mượn trong tiếng Hán.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 18.8.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét