Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

"MÚA LÂN" KHÔNG CHỈ CÓ MÚA LÂN


Múa lân là bộ môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc Trung Hoa. Nó du nhập vào Việt Nam từ khá sớm và dần trở nên phổ biến. Ở nước ta, múa lân xuất hiện trong nhiều dịp lễ hội, trong các lễ khai trương, khánh thành… nhưng nhiều nhất vẫn là tết Trung thu.

Như đã biết, “múa lân” là dạng rút gọn của cụm từ “múa kỳ lân”. Tuy nhiên, trong tâm thức và thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt, “múa lân” còn mang nghĩa khái quát chỉ chung cho cả múa kỳ lân, múa sư tử và múa rồng (thường được gọi tắt là “múa lân sư rồng”). Trên thực tế thì nét nghĩa khái quát này lại được sử dụng phổ biến hơn cả. Vậy, từ đâu mà có hiện tượng độc đáo này?

Ta nhớ lại một số trường hợp tương tự trong tiếng Việt như “xe hon đa”, “mì tôm”… Ban đầu, “hon đa” vốn là danh từ riêng, là tên của một hãng xe máy nổi tiếng của Nhật Bản (Honda) khá thịnh hành tại Việt Nam. Về sau, nó chuyển loại thành danh từ chung, dùng để chỉ chung các loại xe máy. Cho nên, mặc dù không ít các tiệm sửa xe máy đề bảng hiệu là “sửa xe hon đa”, nhưng thực tế thì họ sửa cả xe Yamaha, xe Suzuki, xe SYM…, nói chung là tất cả các loại xe máy. Tương tự, ban đầu, “mì tôm” vốn là một loại mì. Về sau, nó được dùng để chỉ chung cho các loại mì ăn liền. Bởi thế, với cả mì gà, mì thịt bò, mì chay…, người ta cũng gọi là mì…tôm.

“Múa lân” có lẽ cũng tương tự như vậy. Ban đầu, “múa lân” vốn là dạng rút gọn của một loại trong múa lân sư rồng là múa kỳ lân. Về sau, nó được dùng để chỉ chung cho cả ba bộ môn “lân, sư, rồng” (mặc dù con lân, con sư tử và con rồng để múa cũng như cách biểu diễn của chúng rất khác nhau). Thậm chí, nó còn được dùng với nghĩa khái quát hơn là một môn nghệ thuật dân gian.

Có điều này là bởi theo quan niệm của người xưa, lân là một trong “tứ linh” (long, lân, quy, phụng), là linh vật tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc. Mặt khác, nguồn gốc ra đời của múa lân (nghĩa khái quát) gắn liền với con lân, và có thể múa lân ra đời sớm hơn so với múa sư tử và múa rồng. Ðặc biệt, trong thực tiễn, so với múa sư tử và múa rồng, múa lân phổ biến hơn cả. Có lẽ vì thế mà cụm từ “múa lân” vốn mang nghĩa cụ thể dần được sử dụng với nghĩa khái quát như trên đã trình bày.

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 20.9.2018




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét