Trong tiếng Việt, có 3 từ “thu”. Đó là: 1. Tên một loại cá, tức cá thu; 2. Tên một trong bốn mùa, nằm giữa mùa hạ và mùa đông, tức mùa thu; 3. Nhận về, gom lại. Nhân đang trong những ngày mùa thu, ta thử bàn về một số từ có yếu tố “thu” trong tiếng Việt.
Từ “thu” thứ 3 như trên đã dẫn là một từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, từ này thuộc bộ phộc, có những nét nghĩa như: nhận lấy, rút về, gom lại, co lại, xếp lại, gặt hái mùa màng, kết thúc…
Khi vào tiếng Việt, hầu hết các nét nghĩa này đều được bảo lưu. Cho nên, trong tiếng Việt, có khá nhiều từ mang yếu tố “thu” này. Chẳng hạn: thu dọn, thu hẹp, thu hoạch, thu hồi, thu hút, thu lôi, thu lượm, thu mua, thu nạp, thu nhặt, thu nhận, thu nhập, thu phục, thu quân, thu thanh, thu thập, thu tóm (thâu tóm), thu xếp…
“Thu” trong “mùa thu” cũng là một từ Việt gốc Hán. Tự dạng của nó gồm bộ hòa (lúa) bên trái và chữ hỏa (lửa) bên phải. Chữ này được tạo bằng phương thức hội ý (hợp các ý của từng bộ phận trong chữ để tạo nên nghĩa mới, một trong 6 cách tạo chữ Hán của người Trung Hoa gọi là lục thư). Do đó, nghĩa của từ thu do ý nghĩa của chữ hòa và chữ hỏa hợp thành. Với người Hán thời xưa, mùa thu là mùa lúa có màu của lửa, tức là mùa lúa chín. Cho nên, trong tiếng Hán mới có thành ngữ thu thu đông tàng (mùa thu gặt hái, mùa đông cất giữ), thập nguyệt nạp hòa giá (tháng mười thu nhận vào lúa thóc). Ở nước ta, mùa thu cũng là mùa lúa chín. Vì ta có vụ hè thu, một trong hai vụ lúa hằng năm (cùng với vụ đông xuân) ở những vùng canh tác một năm hai vụ.
“Thu” với nghĩa là mùa thứ ba trong năm khi vào tiếng Việt được Việt hóa hoàn toàn. Do đó, “thu” này trở thành hình vị tự do, vừa có thể hoạt động như từ (như trong các cụm mùa thu, cảnh thu) vừa tham gia tạo từ. Trong tiếng Việt, có một số từ mang hình vị “thu” này, chẳng hạn: thu phân, trung thu…
Từ nghĩa chỉ một mùa trong năm, từ “thu” phái sinh nét nghĩa hoán dụ là năm (vì mỗi năm chỉ có một mùa thu). Chẳng hạn: thiên thu là một nghìn mùa thu, tức một nghìn năm, dĩ nhiên đây chỉ là cách nói ước lệ cho khoảng thời gian vô cùng lớn. Cho nên ta có thành ngữ nhất nhật tại thù thiên thu tại ngoại nghĩa là “một ngày ở tù [như] một nghìn năm ở bên ngoài”, thiên thu vĩnh biệt nghĩa là “vĩnh biệt nghìn năm”, tức là “xa nhau mãi mãi”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 15.9.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét