Chúng ta đang ở giữa mùa hè. Ai cũng biết, đây là một trong bốn mùa của năm, sau mùa xuân và trước mùa thu. Tuy nhiên, vì sao mùa này có tên là “hè”?
Trong tiếng Việt có 3 từ “hè”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) ghi nhận từ “hè” đầu tiên là “mùa hạ” (tr.432). Như vậy, “mùa hạ” chính là tên gọi khác của “mùa hè”. Từ này hiện vẫn được sử dụng nhưng phạm vi hẹp hơn.
Cùng với “xuân”, “thu” và “đông”, “hạ” là từ Việt gốc Hán. Ba từ trước không có từ tương đương trong tiếng Việt. Riêng “hạ” thì có một từ tương đương là “hè”. Vậy, có phải “hè” là từ thuần Việt tương đương của “hạ”?
Thật ra, “hè” cũng là một từ Việt gốc Hán. Nói cách khác, “hè” cũng chính là “hạ”. Như đã biết, trong tiếng Việt, bên cạnh từ Hán Việt còn có một lớp từ được gọi là “tiền/cổ Hán Việt”. Đây là lớp từ gốc Hán có âm đọc xưa hơn từ Hán Việt (âm đọc thời Đường) còn được bảo lưu trong tiếng Việt. Chẳng hạn, “buồng” là từ tiền/cổ Hán Việt mà từ Hán Việt tương đương là “phòng”, “chén” là âm đọc xưa của từ Hán Việt “trản”, “rồng” là âm xưa của “long”, “búa” là âm xưa của “phủ”…
Tương tự, “hè” là từ tiền/cổ Hán Việt mà từ Hán Việt tương đương là “hạ”. Điều này không khó để chứng minh. Vì mối quan hệ giữa hai nguyên âm /a/ và /e/ là mối quan hệ lịch sử. Giữa chúng có sự tương ứng mà ta có thể gặp trong nhiều trường hợp như: chè ~ trà, mè (vừng) ~ ma, xe ~ xa... Trong tiếng Việt cũng có hiện tượng này, chẳng hạn: mẹ ~ má, ha ~ he, nha ~ nhe, nhá ~ nhé… Mối quan hệ tương ứng giữa hai thanh điệu huyền (thanh 2) và nặng (thanh 6) cũng là điều bình thường, ví như: nhì ~ nhị, mùa ~ vụ,…
Ngoài ra, cũng như “hè”, “mùa” là một từ Việt gốc Hán. Nó chính là âm xưa của từ Hán Việt tương đương là “vụ” (mối quan hệ giữa hai phụ âm m - v, hai nguyên âm /u/ - /ua/ và hai thanh huyền - nặng hoàn toàn có thể chứng minh được). Cho nên, ta có hai từ ghép đẳng lập tương đương là mùa vụ và vụ mùa.
Tóm lại, cả “mùa” lẫn “hè” đều là những từ Việt gốc Hán. Khi vào tiếng Việt, chúng được cấu tạo theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt (yếu tố chính đứng trước yếu tố phụ trong các danh từ, ngữ danh từ; ngược lại với tiếng Hán). Đây là lý do chúng tồn tại được trong tiếng Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 7.7.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét