Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

"TIỆT CHỦNG" HAY "TUYỆT CHỦNG"?


Để chỉ ý nghĩa “bị mất hẳn nòi giống”, trong tiếng Việt có từ “tuyệt chủng”. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, từ biểu thị ý nghĩa trên phải là “tiệt chủng”; còn “tuyệt chủng” chỉ mang nghĩa là “nòi giống… tuyệt vời”. Vậy, đâu mới là từ đúng?

Các từ điển tiếng Việt đã ghi nhận, trong trường hợp này, từ đúng là “tuyệt chủng”. Trong khi đó, tổ hợp “tiệt chủng” hầu như không xuất hiện ở bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào. Tuy vậy, xét về logic ngữ nghĩa, “tiệt chủng” với nghĩa “nòi giống bị mất” và “tuyệt chủng” với nghĩa “nòi giống tuyệt vời” hoàn toàn có thể chấp nhận. Mấu chốt vấn đề nằm ở hai hình vị “tuyệt” và “tiệt”.

“Tuyệt”, “tiệt” (và “chủng”) đều là những yếu tố gốc Hán.

Trước hết, xét hình vị “tiệt”. Chữ “tiệt” (bộ qua) có nghĩa gốc là “cắt đứt”, rồi phái sinh thành nghĩa “làm cho mất đi”. Khi vào tiếng Việt, nó chủ yếu được sử dụng theo nghĩa phái sinh. Chẳng hạn, ta có các từ, cụm từ: cấm tiệt(cấm triệt để, toàn diện không cho thực hiện dưới bất cứ cách, hình thức nào), tiệt nọc (làm cho cái nọc mất đi),tiệt trùng (làm cho vi trùng mất đi)… Trong những tổ hợp trên, “tiệt” là động từ phụ thuộc giữ vai trò trung tâm. Cho nên, “tiệt chủng”, giả sử được chấp nhận, cũng chỉ mang nghĩa “làm cho nòi giống mất đi” (nghĩa chủ động), khác với nghĩa “tuyệt chủng” mà ta sẽ phân tích dưới đây.

“Tuyệt” (bộ mịch) trong tiếng Hán có các nghĩa chính sau: 1. “cắt đứt” (như trong đoạn tuyệt, tuyệt giao); 2. “dứt, cạn, hết” (như tuyệt mệnh [số mệnh đã hết], tuyệt tự [sự kế thừa đã chấm dứt, tức không có con cái], tuyệt vọng[hy vọng đã hết]); 3. “cưỡng lại” (như trong cự tuyệt); 4. “có một không hai” (như tuyệt mĩ, tuyệt tác, tuyệt trần); 5. một lối thơ (như tuyệt cú, tứ tuyệt).

“Tuyệt” trong “tuyệt chủng” được sử dụng theo nét nghĩa thứ hai. Do đó, “tuyệt chủng” được hiểu là “nòi giống bị mất đi”. Khi vào tiếng Việt, “tuyệt chủng” chuyển sang mang nghĩa (động từ trạng thái) là “bị mất hẳn nòi giống” (nghĩa bị động). Đây là lý do “tuyệt chủng” khác (về ý nghĩa ngữ pháp) với “tiệt chủng”. Dĩ nhiên, “tiệt chủng” chỉ là kết hợp giả định vì nó không có trong tiếng Việt.

Về nguyên tắc kết hợp, “tuyệt chủng”1 với nghĩa “nòi giống bị mất” và “tuyệt chủng”2 với nghĩa “nòi giống tuyệt vời” đều có thể tồn tại (đều là ngữ danh từ). Và nếu tồn tại, chúng là hai từ đồng âm. Tuy nhiên, đây chỉ là giả định mà thôi. Vì trong tiếng Việt, “tuyệt chủng”2 gần như không tồn tại.

Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 12.7.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét