Ngoài từ “mớ” trong “ngủ mớ” và “mớ” trong “mớ cá”, “mớ rau”, ta còn gặp một từ “mớ” khác trong những cụm như “một mớ”, “cả mớ”, “mớ bòng bong”… “Mớ” trong những cụm từ này có nghĩa là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992), từ “mớ” này có nghĩa: “Số lượng tương đối nhiều những vật, những thứ cùng loại, nhưng khác nhau nhiều và ở tình trạng lộn xộn, ngổn ngang, không theo một trật tự nào cả (hàm ý chê). Rối như mớ bòng bong. Một mớ giấy lộn. Chỉ biết một mớ lý luận suông” (tr.640).
Đây là nghĩa phái sinh được dùng hiện nay của từ “mớ”. Vậy, từ này có nghĩa gốc không? Câu trả lời là có. Nghĩa gốc của từ “mớ” ta có thể gặp trong bài thơ Năm mới chúc nhau nổi tiếng của Trần Tế Xương, ở câu “Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu/ Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu”. “Mớ” trong câu thơ này có nghĩa là “một trăm nghìn”. Nét nghĩa này được các cuốn từ điển ghi nhận. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt (sđd) ở trang 640 giải thích “mớ” chính là “mười vạn”.
Từ nghĩa gốc “mười vạn”, từ “mớ” được hoán dụ để mang nghĩa phái sinh là “rất nhiều”. Hiện tượng này ta cũng gặp tương tự như ở các từ “trăm”, “nghìn”, “vạn”, “triệu”… Chẳng hạn, nói “trăm người như một”, ta sẽ không hiểu ở đây là có đúng một trăm người, mà sẽ hiểu đó là một cách nói/viết ước lệ rằng ở đây có rất nhiều người và họ đồng một lòng. Từ “mớ” trong “cả mớ”, “một mớ” cũng mang nghĩa ước lệ là “rất nhiều” như vậy.
Chỉ có điều là, nghĩa gốc “mười vạn” của từ “mớ” hiện nay không còn được dùng nữa. Từ “mớ” ngày xưa vốn có một vị trí chính thống để biểu thị ý nghĩa “mười vạn” nay bị đẩy xuống thành từ cũ (các từ điển tiếng Việt, từ điển từ cũ đều ghi nhận “mớ” với nghĩa “mười vạn” là từ cũ). Vị trí của nó bị cụm từ “một trăm nghìn” chiếm mất. Trong hệ thống số đếm theo bội số gấp 10 của 10, trước đây vốn có: mười, trăm, nghìn, vạn, mớ, triệu,… Nay, “mớ” bị thay thế bởi “một trăm nghìn”. Chẳng những vậy, nghĩa phái sinh “rất nhiều” của “mớ” hiện nay cũng thiên về sắc thái nôm na, “nhà quê” và thường mang hàm ý chê bai. “Mớ” chủ yếu được dùng trong ngôn ngữ nói. Trong ngôn ngữ viết, “mớ” với nghĩa này hầu như không còn được dùng nữa.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 19.7.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét