Vì nhiều nguyên nhân, người Việt phải mượn không ít từ, ngữ tiếng Hán để dùng. Trong quá trình vay mượn ấy, bằng nhiều cách khác nhau, ông cha ta đã Việt hóa số vốn vay này, góp phần làm giàu đẹp tiếng Việt.
Một trong những cách Việt hóa từ gốc Hán độc đáo của người Việt chúng ta là trường hợp các từ “tồn tại”, “chất lượng”.
“Tồn tại” là một từ Việt gốc Hán cấu tạo theo phương thức đẳng lập. Trong đó, “tồn” (bộ tử) nghĩa là “còn”; “tại” (bộthổ) cũng có nghĩa là “còn”. “Tồn tại” nghĩa là “[hiện đang] còn, chưa mất đi”. Đây là nghĩa trong tiếng Hán. Khi đi vào tiếng Việt, từ “tồn tại” vẫn được sử dụng nghĩa này. Tuy nhiên, trong hoạt động hành chức, từ “tồn tại” trong tiếng Việt lại phát sinh nét nghĩa mới mà từ tương đương với nó là “tồn đọng”. Chẳng hạn, có thể nói: “Những tồn tại trong năm qua chúng ta cần sớm khắc phục là…”. Như vậy, từ “tồn tại” với nét nghĩa thứ hai vừa bị thu hẹp phạm vi nghĩa (so với nét nghĩa đầu tiên), vừa có sự thay đổi sắc thái nghĩa (trung tính âm tính).
Tương tự, “chất lượng” cũng là một từ Hán Việt được cấu tạo theo phương thức đẳng lập. Trong đó, “chất” (bộbối) nghĩa là “gốc rễ, căn tính, đặc tính, bản thể của sự vật”; “lượng” (bộ lý) là “thuộc tính của sự vật, hiện tượng về mặt khối lượng, kích thước, tốc độ…”. “Chất” và “lượng” là hai phạm trù tồn tại của sự vật, hiện tượng. Do đó, từ ghép “chất lượng” mang nghĩa khái quát chỉ hai phương diện tồn tại cơ bản của sự vật, hiện tượng.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt, nghĩa của từ này có xu hướng đánh mất “lượng”, chỉ còn “chất”. Từ điển tiếng Việtđịnh nghĩa “chất lượng” là “cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.155). Như vậy, cũng như “tồn tại”, từ “chất lượng” được sử dụng trong tiếng Việt vừa bị thu hẹp phạm vi nghĩa (chất + lượng chất), vừa thay đổi sắc thái nghĩa (trung tính tích cực).
Có thể nói, thay đổi phạm vi nghĩa (thu hẹp hoặc mở rộng) và sắc thái nghĩa (thành âm tính hoặc dương tính) là một trong những cách Việt hóa lớp từ gốc Hán độc đáo của ông cha ta. Nhờ đó (cùng với những phương thức khác), lớp từ gốc Hán trong tiếng Việt trở nên linh hoạt, gần gũi với người Việt và hỗ trợ đắc lực cho việc giao tiếp, biểu đạt của người Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 5.7.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét