Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

MỘT MẸO PHÂN BIỆT HỎI, NGÃ


Nhầm lẫn giữa hai thanh hỏi/ ngã là một trong những lỗi chính tả phổ biến. Nhiều người viết sai vui vẽ, vất vã, hối hã, mạnh mẻ,… vì ít phân biệt được hai thanh hỏi/ngã (chủ yếu là do phát âm sai dẫn đến viết sai).

Có thể khắc phục một phần điều này bằng mẹo dựa vào quy luật ngữ âm, áp dụng trong phạm vi từ láy (chủ yếu là láy đôi).

Như đã biết, tiếng Việt có sáu thanh điệu là ngang, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Chúng đối lập với nhau ở hai cao độ chủ yếu, tạo thành hai âm vực là cao và thấp. Âm vực cao gồm ba thanh ngang, sắc và hỏi. Âm vực thấp gồm ba thanh còn lại là huyền, ngã và nặng.

Trong từ láy, các tiếng tạo thành có quan hệ chặt chẽ với nhau về âm thanh. Trong từ láy đôi, hai tiếng tạo thành tuân theo quy luật là luôn cùng nằm trong một âm vực, hoặc âm vực cao, hoặc âm vực thấp.

Do đó, nếu một trong hai tiếng của một từ láy mang thanh ngang, sắc hoặc hỏi thì tiếng thứ hai phải mang thanh hỏi (vì phải cùng thuộc âm vực cao). Ngược lại, nếu một trong hai tiếng mang thanh huyền, ngã hoặc nặng thì tiếng còn lại phải mang thanh ngã (vì phải cùng thuộc âm vực thấp). Ta có quy tắc: Ngang, sắc, hỏi → hỏi; Huyền, ngã, nặng → ngã.

Chẳng hạn, trong từ vui vẻ, vì vui có thanh ngang nên vẻ phải là thanh hỏi; trong từ mạnh mẽ, vì mạnh thanh nặng nên mẽ phải là thanh ngã.

Hoặc, tất tả, tơi tả viết dấu hỏi (vì tất thanh sắc, tơi thanh ngang) còn tầm tã viết ngã (vì tầm thanh huyền); vất vả (vất thanh sắc→vả phải viết hỏi) và vội vã, vật vã (vội, vật thanh nặng → vã phải viết dấu ngã).

Cho nên, với các từ láy như mạnh mẽ, sạch sẽ, chập chững, đằng đẵng, vỗ về,… ta yên tâm viết ngã (vì mạnh, sạch, chập, đằng, vỗ mang các thanh thuộc âm vực thấp). Ngược lại, với các từ láy như vui vẻ, hối hả, lỏng lẻo, run rẩy,… ta yên tâm viết hỏi (vì vui, hối, lỏng, run mang các thanh thuộc âm vực cao).

Với mẹo này, cần lưu ý hai điều sau:

Một, với những từ ghép có hình thức láy như rảnh rỗi, cỏ cây, chạy nhảy, bờ bãi…, không áp dụng quy luật này (vì quan hệ giữa các tiếng là quan hệ ngữ nghĩa, không phải quan hệ ngữ âm).

Hai, quy luật trên cũng có một vài ngoại lệ như ngoan ngoãn, khe khẽ,…

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng báo Bình Định ngày 22.2.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét