Đồi 10 (ở xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) còn có tên gọi gò Màng Thang, gồm hai ngọn đồi kề nhau ở độ cao 36 m so với mực nước biển, nằm gần Quốc lộ 1.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồi 10 có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, vừa là lá chắn tự nhiên cho quận lỵ Tam Quan, vừa khống chế tuyến đường 1 từ Quảng Ngãi vào Bình Định.
Do đó, vào cuối năm 1964 đầu 1965, Mỹ và chính quyền Sài Gòn chiếm hai ngọn đồi này, đặt tên trên bản đồ là Đồi 9 và Đồi 10, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự án ngữ tuyến giáp ranh giữa vùng I và vùng II trong chiến thuật của địch với một sân bay trực thăng, một trận địa pháo 105 ly cùng hệ thống phòng bị dày đặc gồm 1 trung đội pháo binh, 1 đại đội bảo an và 1 tổng đoàn dân vệ. Mục tiêu xây dựng đồn là nhằm càn quét, dồn dân, lập ấp chiến lược, ngăn chặn vùng giải phóng của ta.
Đầu năm 1965, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở chiến dịch Xuân 1965 nhằm phá kế hoạch “dồn dân, lập ấp chiến lược” của địch, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, chuẩn bị cho những đợt tiến công tiếp theo. Tại chiến trường Bình Định, mở màn cho chiến dịch này là trận đánh vào Đồi 10 của Tiểu đoàn đặc công 409. Đêm ngày 7-2-1965, quân ta tập kích Đồi 9 và Đồi 10, tiêu diệt ba hầm, một lô cốt, sở chỉ huy của địch nằm trên cao điểm cùng các cứ điểm khác. Trận đánh đầu tiên vào Đồi 10 giành thắng lợi hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Xuân 1965, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại chiến trường miền Nam.
Năm 1966, địch càn quét ác liệt với quy mô lớn nhằm chiếm lại Đồi 10. Quân ta gồm một đại đội của Sư đoàn Sao Vàng cùng du kích và nhân dân địa phương đã đánh trả quyết liệt, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, khiến cho quân thù khiếp sợ. Địch bị thiệt hại nặng nề, kế hoạch chiếm lại Đồi 10 của chúng thất bại.
Từ đây đến năm 1975, Đồi 10 luôn là điểm giao tranh ác liệt giữa ta và địch, chứng kiến tinh thần quật khởi, đấu tranh kiên cường của quân và dân Hoài Nhơn. Tháng 4-1975, cùng với khí thế vùng lên của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các lực lượng vũ trang và nhân dân Hoài Nhơn mở chiến dịch tổng tiến công vào các đồn, bốt của địch, làm chủ Đồi 10, bao vây phong tỏa Tam Quan, Bồng Sơn, tiến lên giải phóng huyện Hoài Nhơn sớm nhất trong toàn tỉnh.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng Đồi 10 cùng những năm tháng chiến đấu hào hùng vẫn chưa phai mờ trong ký ức của nhân dân Hoài Nhơn. Đồi 10 trở thành chứng tích ghi dấu những chiến công oanh liệt cùng sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ, nhân dân Hoài Nhơn, là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng quật cường của nhân dân Hoài Nhơn anh hùng. Di tích Chiến thắng Đồi 10 được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2006.
Bút danh PHẠM VŨ
Đăng trên báo Đắc Lắc ngày 10.11.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét