Hẳn nhiều người cho rằng, tá trong một tá (tức mười hai) và tá trong tá tràng chẳng liên quan gì với nhau. Nhưng thực ra, chúng chính là một. Tìm hiểu nguồn gốc của tá ta sẽ thấy được điều này.
Theo các nhà nghiên cứu, tá là một từ Việt gốc Anh. Có điều, nó không vào tiếng Việt trực tiếp như nhiều từ khác mà phải vòng qua con đường tiếng Hán.
Như đã biết, người Anh rất thích dùng hệ số đếm 12. Trong tiếng Anh, 12 cái là 1 dozen (chẳng hạn one dozen eggs là “12 quả trứng” hay “một tá trứng”), 12 dozens là 1 gross (tức 144), 12inches (2,54 cm) là 1 foot (1 bộ Anh, bằng 30,48 cm)… Khi người Anh tiến vào Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), dozen đã theo vào tiếng Hán và được phiên âm thành đả thần (âm Hán Việt). Dần dần, âm thầnbị rơi rụng, chỉ còn lại âm đả, tiếng Quảng Đông đọc là tá. Sau đó, tá theo chân những người Hoa đến nước ta, đi vào tiếng Việt và được dùng đến ngày nay.
Dozen trong tiếng Anh vốn có nguồn gốc từ tiếng Latin. Số 12 trong tiếng Latin là duodecim. Tá tràng trong tiếng Việt, tức “đoạn đầu của ruột non, tiếp theo dạ dày”, trong tiếng Anh là duodenum. Gốc Latin của duodenum làduodenum digitorum, nghĩa là “dài 12 ngón tay”. Người Hán, người Nhật dịch thành thập nhị chỉ tràng (âm Hán Việt), tức là “ruột [dài] 12 ngón tay”. Trong khi đó, người Việt dùng tá thay cho thập nhị và gọi tắt là tá tràng. Như vậy, tá trong tá tràng chính là tá trong một tá.
Trong tiếng Việt, ngoài tá tràng, còn có một số từ khác mang hình vị tá như tá dược (1), tá điền (2), phò tá (3), phụ tá (4), y tá (5)… Trong đó, tá (2) là “vay mượn”; tá (1), (3), (4) và (5) là “giúp đỡ”. Tá dược tạm hiểu là “thuốc [có vai trò] giúp”, thực chất là thành phần phụ gia được thêm vào trong thuốc nhằm làm ổn định thuốc, tăng cường tác dụng của thuốc.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 30.10.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét