Đây là những từ ngữ của thời đại số. Cách đây vài thập kỷ, “trực tuyến” và “ngoại tuyến” vẫn còn rất xa lạ với nhiều người. Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) ấn hành các năm 1992 và 1997, hai từ này chưa được ghi nhận.
“Trực tuyến” và “ngoại tuyến” ban đầu vốn là những thuật ngữ của các ngành tin học, viễn thông. “Trực tuyến” tương đương với “online” trong tiếng Anh, có thể hiểu là “trạng thái đã được kết nối với mạng internet”. Còn “ngoại tuyến”, tương đương với “offline”, là “trạng thái không có kết nối với mạng internet”. Trong tiếng Việt hiện nay, “online” và “offline” được mượn nguyên dạng và sử dụng khá rộng rãi.
Về từ nguyên, “trực tuyến” và “ngoại tuyến” đều là từ Việt gốc Hán. Có một điều thú vị là hình vị “tuyến” trong hai từ này (bộ “mịch”, nghĩa là “sợi tơ”) và hình vị “line” trong “online”, “offline” lại cùng một nghĩa gốc “sợi dây, đường dây”.
Trong tiếng Việt, ta thường gọi “mạng internet” hoặc gọn hơn là “mạng” (như trong trang mạng, vào mạng). Tiếng Trung gọi “internet” là “hỗ liên võng”, “mạng” là “võng lạc”, “trang mạng” là “võng hiệt” (phiên âm Hán Việt). Thêm một điều thú vị, hình vị “võng” trong các từ trên lại cùng nghĩa gốc với hình vị “net” trong “internet”, đều là “tấm lưới”. “Mạng” trong tiếng Việt cũng tương tự, nghĩa gốc là “vật mỏng và thưa làm bằng những sợi đan chéo nhau”. Như vậy, internet là một “mạng lưới”, trong đó có nhiều “tuyến” là những “sợi dây” liên kết giữa các thiết bị. Kết nối vào “mạng lưới” ấy là “trực tuyến”, không có kết nối là “ngoại tuyến”.
Vốn là những từ chuyên ngành hẹp, lại sinh sau đẻ muộn nhưng “trực tuyến” và “ngoại tuyến” lại ngày càng được dùng phổ biến và có xu hướng mở rộng phạm vi sử dụng. Trong những cách dùng mới như bán hàng trực tuyến/ ngoại tuyến, marketing trực tuyến, làm việc trực/ ngoại tuyến, kinh doanh trực/ ngoại tuyến, quảng cáo trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiếp thị trực/ ngoại tuyến, tương tác trực/ ngoại tuyến…, chúng đã đi vào đời sống và không còn là thuật ngữ của riêng các ngành tin học, viễn thông.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 2.10.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét