Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

NGUỒN GỐC CỦA "TÀY"


“Tày” trong tày trời, ngày vui ngắn chẳng tày gang là một từ ít được dùng trong tiếng Việt hiện đại. Nó tương đương với từ “bằng”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “tày” là “có thể sánh với” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.879).

Tuy nhiên trước đây, “tày” từng được sử dụng rất phổ biến. Dấu ấn của điều này còn để lại trong nhiều từ, thành ngữ, ca dao mà ngày nay ta vẫn còn dùng như: tày đình (bằng cái đình), tày trời (bằng trời), gương tày liếp(gương bằng tấm liếp) (những cách nói phóng đại nhằm mục đích nhấn mạnh), học thầy không tày học bạn... 

Về từ nguyên, “tày” là một từ Việt gốc Hán. Nó bắt nguồn từ chữ “tề”. Trong tiếng Hán, “tề” (chữ cũng là bộ) có nhiều nghĩa, trong đó có nét nghĩa “ngay ngắn, đều nhau, bằng nhau, ngang với, cùng nhau”. Chẳng hạn, cử án tề mi là “nâng án ngang mày”, bách hoa tề phóng là “trăm hoa cùng nở”, danh hiệu Tề Thiên Đại Thánh của Tôn Ngộ Không có nghĩa là “thánh lớn bằng trời”. Trong tiếng Việt, “tề” với nghĩa trên xuất hiện trong một số từ như chỉnh tề (ngay ngắn, đều đặn), nhất tề (cùng một lúc).

Vào tiếng Việt, bên cạnh giữ nguyên âm đọc Hán Việt, “tề” còn biến âm thành “tày”. Hiện tượng này không khó để giải thích bởi mối quan hệ giữa hai vần /-ê/ ↔ /-ay/ là quan hệ gần gũi, có thể thấy trong nhiều trường hợp như:để ↔ đáy, kê ↔ cáy (tiếng Tày), cày (tiếng Lào) (con gà).

Trong tiếng Việt, còn có từ “tề” với nghĩa “chặt, cắt bớt cho bằng, cho đều nhau”, như trong “tề lá lợp nhà”. “Tề” này cũng bắt nguồn từ chữ “tề” Hán Việt như trên. 

Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 25.9.2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét