Bên trong mắt có một bộ phận được gọi là con ngươi. Từ điển tiếng Việt định nghĩa là “lỗ tròn giữa lòng đen con mắt” (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 1997, tr.193). Tuy nhiên, vì sao bộ phận này lại được gọi tên như vậy là câu hỏi không ít người băn khoăn.
Thật ra, con ngươi chính là con người. Như đã biết, giữa ngươi và người chỉ là một bước ngắn biến đổi thanh điệu từ thanh ngang sang thanh huyền.
Ngươi là một từ cũ mà nghĩa của nó là “người” như hiện nay. Dấu vết của nó vẫn còn để lại trong tiếng Việt hiện đại ở nhiều trường hợp như dể ngươi (coi thường, khinh dể [người khác]), hổ ngươi (xấu hổ, hổ thẹn [cả người]), trêu ngươi (cố ý chọc tức, trêu chọc [người khác]), các ngươi (các người),bọn ngươi, lũ ngươi, nhà ngươi…
Vậy, tại sao “lỗ tròn giữa lòng đen con mắt” lại được gọi là “con ngươi”? Có lẽ, điều này xuất phát từ thực tế khi nhìn vào mắt người, ta sẽ thấy chính giữa tròng đen có một hình người nho nhỏ. Người ta gọi đó là “con ngươi”, tức là “con người”. Tên gọi “con ngươi” tồn tại đến ngày nay dù cho ngươi dần bị quên lãng và trở thành từ cũ.
Điều thú vị là không chỉ người Việt mới có cách gọi tên như vậy. Hiện tượng này còn xuất hiện ở nhiều ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, con ngươi trong tiếng Hán là đồng tử, nghĩa gốc là “đứa bé”; trong tiếng Anh là pupil, nghĩa gốc cũng là “đứa bé”; trong tiếng Pháp là pupille, nghĩa gốc là “đứa trẻ mồ côi hoặc con nuôi”. Có lẽ, như người Việt, người Hoa, người Anh, người Pháp cũng nhìn thấy trong tròng đen của mắt một “con người” nhỏ.
Các ngôn ngữ trên thế giới thường có những nét tương đồng thú vị. Khi cùng một hiện thực hay cùng một tư duy phản ánh, sẽ có những cách gọi tên, diễn đạt tương tự trong các ngôn ngữ. Cách gọi tên “lỗ tròn giữa lòng đen con mắt” trong nhiều thứ tiếng là một trường hợp như vậy.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 4.9.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét