Trong tiếng Việt, hiếm có từ nào có thể chỉ nhiều đối tượng người như từ thầy. Trong trường học có thầy đồ, thầy giáo. Trong nhà thờ có thầy cả, thầy dòng, thầy truyền đạo. Trong nhà chùa có thầy chùa, thầy tu, sư thầy. Trong nghề chữa bệnh cứu người có thầy lang, thầy thuốc. Trong nghề bói toán, cúng bái có thầy bói, thầy địa, thầy mo,thầy pháp, thầy số, thầy tướng.
Luật sư trước đây được gọi là thầy cãi, thầy kiện. Người làm nghề viết đơn từ, lo kiện tụng trước đây là thầy cò. Thầy còn được dùng để chỉ “viên chức cấp thấp thời phong kiến, thực dân” nhưthầy cai, thầy phủ, thầy thừa; để gọi người chủ trong quan hệ với tớ (thầy tớ); thậm chí để gọi cho cha trong các “gia đình ở nông thôn hoặc gia đình trung lưu, thượng lưu lớp cũ ở một số địa phương”...
Hầu hết những thầy trên đều là những người đàn ông có hiểu biết, được xã hội tôn trọng. Thầy còn được dùng với nghĩa khái quát chỉ chung “người có trình độ hướng dẫn, dạy bảo” như trong bậc thầy.
Có một điều thú vị là trong các lĩnh vực trên, yếu tố thầy không đứng một mình mà phải tồn tại trong tổ hợp thầy - X, trong đó X cho biết lĩnh vực làm việc của các thầy (trừ việc xưng hô trong ngữ cảnh hẹp). Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, yếu tố thầy có thể đứng riêng và tương đương với thầy giáo; đồng thời có thể kết hợp với các X’ không cho biết lĩnh vực làm việc nhưng vẫn có mang nội dung thầy trong lĩnh vực dạy học. Chẳng hạn, nói “thầy tôi là người thầy tài giỏi và tận tụy với nghề, là vị thầy mà tôi kính trọng nhất. Thầy tôi còn là một ông thầy vui tính nữa”, ta vẫn hiểu thầy tôi là một thầy giáo.
Một điều thú vị nữa, trong các lĩnh vực khác, thầy rất hiếm khi là nữ (vì trước đây, nữ giới làm thầy không nhiều) thì trong giáo dục, thầy ngoài chỉ người đàn ông dạy học còn chỉ chung những người làm nghề dạy học, bao gồm cả nữ giới. Trong các tổ hợp người thầy, đạo thầy trò, nghĩa thầy trò, tình thầy trò… thầy còn hàm nghĩa cả cô giáo.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục Chữ & Nghĩa, báo Bình Định ngày 20.11.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét