Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

NGUỒN GỐC "TRƯỜNG HỌC"


“Trường học” là một từ rất quen thuộc, đến mức ai cũng hiểu ngay, nhưng nếu tìm đến từ nguyên của nó sẽ thấy có một số điểm thú vị.

Về yếu tố “học”. Đây là một từ Việt gốc Hán. Theo sách Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghi, chữ “học” nghĩa ban đầu là “trường học”. Chữ này được thể hiện trên giáp cốt văn với hình ảnh ngôi nhà, phía trên có chữ “hảo” (biểu thị âm đọc). 

Sau này, trong chữ “học” có thêm chữ “tử” (người con trai), biểu thị ý nghĩa cậu học trò ngồi học dưới mái trường (Nxb Thế Giới, 1997, tr.283). Như vậy, từ nghĩa chỉ “nơi học”, từ “học” được mang thêm nghĩa chỉ “hoạt động học”. Khi vào tiếng Việt, nó được Việt hóa hoàn toàn, được dùng độc lập (từ đơn) và tham gia tạo từ (từ phức) như trong các trường hợp: học hành, học hỏi, khoa học...

Về yếu tố “trường”. Trong tiếng Việt, chúng ta quen với hình vị “trường” mang nghĩa “dài” (cả về không gian lẫn thời gian), nhưng ở đây, chữ “trường” bắt nguồn từ chữ “trường” thuộc bộ thổ (liên quan đến đất). Chữ này có nghĩa gốc là “cái sân, chỗ đất được sửa cho bằng phẳng”, về sau mang thêm nghĩa chuyển “nơi, chỗ, chốn”. Vào tiếng Việt, chữ “trường” này giữ nguyên nghĩa “nơi, chỗ”. Cho nên ta có: “trường bắn” là nơi để bắn, “trường đua” là nơi để đua ngựa, xe; “trường thi” là nơi diễn ra các kỳ thi; “trường bay” (từ cũ) là nơi để máy bay lên xuống, tức sân bay… Như vậy, “trường học”có thể hiểu là “nơi để học”.

Ở Huế, có địa danh cầu Trường Tiền (âm khác là “Tràng Tiền”). Cầu có tên gọi này là vì trước đây, gần cầu có một xưởng đúc tiền lớn (“trường tiền” là “nơi đúc tiền”). Ở Bình Định ta có địa danh bến Trường Trầu gắn với ba anh em Tây Sơn nổi tiếng. Bến này trước đây là nơi bán trầu nên có tên như vậy.

Mặc dù cả hai yếu tố tạo thành đều có nguồn gốc Hán nhưng “trường học” lại được cấu tạo theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt. Thú vị hơn, “trường” chỉ là “nơi”, vốn không mang nghĩa gì liên quan đến “học” nhưng nhiều lúc người Việt dùng tách riêng ra và vẫn dùng phổ biến với nghĩa tương đương “trường học”, như trong cách dùng “đến trường”, “trường của chúng em là trường mầm non”...

PHẠM TUẤN VŨ
Mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 28.2.2019
Link: http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=7&mabb=119140


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét