Trong tiếng Việt, “hiếu học” là một từ quen thuộc và được dùng phổ biến đến mức nhiều người nhầm tưởng đây là từ thuần Việt. Thật ra, “hiếu học” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “học” (bộ tử) khi vào tiếng Việt đã được Việt hóa hoàn toàn, được dùng với nghĩa như trong các từ “học tập”, “khoa học”.
Còn “hiếu” nghĩa là gì và nó có phải là “hiếu” trong từ “hiếu thảo”? Thật ra, hai từ “hiếu” trên chỉ là hai từ đồng âm. “Hiếu” trong “hiếu thảo” thuộc bộ tử, mang nghĩa “lòng biết ơn cha mẹ”. Trong tiếng Việt, ta có nhiều từ có yếu tố “hiếu” này như: hiếu đễ, hiếu hạnh, hiếu hỷ, hiếu nghĩa, hiếu thuận,...
“Hiếu” trong “hiếu học” (bộ nữ) là một âm khác của chữ “好“ mà âm phổ biến hơn của nó là “hảo”. “Hiếu” ở đây là động từ, mang nghĩa “yêu thích, ham muốn”. Trong tiếng Việt, ta gặp yếu tố “hiếu” này trong những từ như: hiếu chiến, hiếu danh, hiếu động, hiếu khách, hiếu kỳ, hiếu sắc, hiếu sự, hiếu thắng,... Như vậy, “hiếu học” chính là “yêu thích, ham muốn việc học”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa ngắn gọn “hiếu học” là “có thái độ ham học” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.440).
Liên quan đến chữ “hiếu” trên, trong tiếng Việt còn có chữ “háo”. “Háo” chính là biến âm của “hiếu” bởi hai khuôn vần /-iêu/ và /-ao/ có thể chuyển hóa cho nhau (như: triều ~ trào, đào ~ điều, Dao Trì ~ Diêu Trì). Cho nên, trong tiếng Việt, bên cạnh “hiếu sắc”, “hiếu thắng”, còn có “háo sắc”, “háo thắng”... Trong hóa học, y học có thuật ngữ “háo nước”. “Háo” trong thuật ngữ này cũng bắt nguồn từ “hiếu” trong “hiếu học”.
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Do đó, hiếu học là đức tính rất được người Việt coi trọng. Trong quá khứ, đã có nhiều tấm gương hiếu học được lưu truyền sử sách và người đời ca tụng như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Thị Duệ... Ngày nay, dù điều kiện học tập đã tốt hơn rất nhiều thì đức tính hiếu học vẫn luôn được đề cao. Những tấm gương học giỏi, vượt khó học tốt luôn được xã hội ghi nhận và tuyên dương xứng đáng. Các hội/quỹ khuyến học, tổ chức học bổng ra đời chính là để khuyến khích lòng hiếu học trong cộng đồng.
PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định 23.2.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét