Chiên Đàn là địa danh nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam, thuộc xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh), gần sát thành phố trẻ Tam Kỳ. Làng Chiên Đàn không chỉ được biết đến với nhiều di tích nổi tiếng mà còn là một trong vùng đất có truyền thống cách mạng hào hùng ở xứ Quảng.
Nửa thế kỷ trước, nơi đây từng chứng kiến cuộc kháng chiến trường kỳ, bền bỉ của người dân Chiên Đàn chống giặc Pháp, Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Nam, nhân dân Chiên Đàn đã hết lòng nuôi giấu bộ đội, kiên cường đấu tranh trước sự bạo tàn của giặc, cùng với nhân dân Phú Ninh nói chung làm nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của phong trào đấu tranh cách mạng ở Quảng Nam.
Làng Chiên Đàn là nơi diễn ra cuộc thảm sát Miếu Trắng - Chiên Đàn ngay sau Hiệp định Giơnevơ. Vào ngày 27-9-1954, một tiểu đoàn quân địch kéo đến khu vực Miếu Trắng - Chiên Đàn, đập phá tấm bia ghi các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, xóa bỏ các khẩu hiệu hòa bình, hòa hợp dân tộc. Một số người dân Chiên Đàn đã đứng ra ngăn cản và bị địch bắn chết tại chỗ. Phản đối hành động tàn bạo này, người dân kéo đến bao vây địch. Chi bộ Chiên Đàn tổ chức tập hợp nhân dân đấu tranh, yêu cầu bọn địch ngừng các hoạt động phá hoại. Đồng chí Nguyễn Văn Uẩn được Chi bộ cử ra trực tiếp đối thoại, giải thích nhưng với âm mưu khiêu khích gây cớ đàn áp, giặc đã hung hăng bắt, đánh đập dã man đồng chí Uẩn và một số người dân khác. Hàng trăm thanh niên, học sinh, nông dân, phụ nữ và cả người già từ các xã Tam Anh, Tam Phước với gậy gộc, cuốc xẻng đã kéo về Chiên Đàn, bao vây địch, yêu cầu thả những người bị bắt và xây lại tấm bia, viết lại các câu khẩu hiệu. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, địch không những không đáp ứng các yêu cầu mà còn gọi quân ở Tam Kỳ, Tuần Dưỡng đến chi viện. Lúc 18 giờ ngày 27-9-1954, địch xả súng đàn áp cuộc đấu tranh, làm chết tại chỗ 79 người, bị thương hơn 100 người khác.
Cuộc thảm sát ở Miếu Trắng - Chiên Đàn đã phơi bày tội ác của chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, hun đúc thêm tinh thần đấu tranh quật cường của những người nông dân tay không đánh giặc. Sự kiện này mở ra một phong trào đấu tranh cách mạng bền bỉ, ngoan cường trên quê hương Chiên Đàn, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Quảng Nam.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng sự kinh hoàng của cuộc thảm sát hơn 60 năm về trước cũng như phong trào đấu tranh anh dũng quật cường vẫn được người dân Chiên Đàn ghi nhớ. Đây là một trong những mốc son trong truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân Quảng Nam anh hùng.
Ngày nay, quê hương cách mạng Chiên Đàn đang thay da đổi thịt từng ngày. Đến Chiên Đàn, tham quan những di tích nổi tiếng như tháp Chiên Đàn, đình Chiên Đàn, địa đạo Kỳ Anh, nghe những bậc lão thành cách mạng là nhân chứng của vụ thảm sát năm xưa kể lại truyền thống đấu tranh hào hùng của người dân địa phương sẽ là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa…
Bút danh PHẠM TUẤN
Đăng trên báo Đắc Lắc ngày 3.3.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét