Trong tiếng Việt có nhiều từ cùng chung một hình vị “đặc” như “đặc biệt”, “đặc điểm”, “đặc khu”, “đặc nhiệm”, “đặc quyền”, “đặc san”, “đặc sản”, “đặc sắc”, “đặc thù”, “đặc tính”, “đặc trách”, “đặc trị”, “đặc trưng”, “đặc vụ”… “Đặc” trong những từ này có nghĩa là gì?
“Đặc” trong những từ trên là một hình vị gốc Hán. Theo Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển, “đặc” (bộ ngưu) có các nét nghĩa: 1. con trâu đực; 2. tên một loại muông sinh; 3. riêng một; 4. khác hẳn (với những cái còn lại) và 5. chuyên vì một việc gì đó.
Khi vào tiếng Việt, hình vị “đặc” chủ yếu mang nét nghĩa “riêng”, “khác hẳn” và nghĩa phái sinh “đặc biệt”. Chẳng hạn, “đặc điểm” là “nét riêng biệt”, “đặc thù” nghĩa là “có tính chất riêng biệt, làm cho khác với sự vật khác cùng loại”, “đặc tính” là “tính chất riêng, không giống với tính chất các sự vật khác”, “đặc san” là “số tạp chí ra đặc biệt, tập trung vào một chủ đề nào đó”, “đặc sản” là “sản phẩm đặc biệt của một địa phương” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.299).
Trong tiếng Việt, “đặc” trên là một hình vị phụ thuộc. Nó chưa thành từ, do đó, không hoạt động tự do như từ. Nó chỉ tồn tại trong những tổ hợp từ gốc Hán với vai trò định ngữ, quy định nét nghĩa “riêng”, “khác biệt”, “đặc biệt” như trên đã nói.
Tiếng Việt ta cũng có một hình vị “đặc” khác và đây là một hình vị tự do. Nó có thể đứng riêng để trở thành từ đơn là từ “đặc” với nghĩa gốc là “có thành phần những chất hỗn hợp nhiều hơn bình thường, trái nghĩa với loãng” (Từ điển tiếng Việt, tr.299), như trong từ “sữa đặc”, “cháo đặc”, trong tổ hợp “cà phê pha đặc”. Hình vị này cũng có thể tham gia tạo từ với nghĩa gốc hoặc nghĩa phái sinh, như trong các từ, cụm từ sau: “đặc sệt”, “tre đực đặc ruột”, “dốt đặc”, “giọng khản đặc”, “tai điếc đặc”…
Gần đây, người ta nói nhiều về từ “đặc khu”. Theo Từ điển tiếng Việt, “đặc khu” nghĩa là “đơn vị hành chính đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng riêng về kinh tế, chính trị hoặc quân sự”. “Đặc” trong “đặc khu” chính là hình vị “đặc” không tự do với ý nghĩa “đặc biệt” (như trên đã trình bày). Như vậy, chỉ qua khái niệm thôi cũng đủ thấy được tầm quan trọng đặc biệt của các đặc khu đối với an ninh kinh tế, chính trị, quân sự của một quốc gia.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 7.6.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét