Trong môn bóng đá, để chỉ lỗi vị trí của cầu thủ đang thi đấu trên sân, có hai từ khiến nhiều người khó phân biệt được là “liệt vị” và “việt vị”. Hai từ này có âm đọc gần giống nhau nên thường gây nhầm lẫn. Vậy, đâu mới là từ đúng?
Có thể khẳng định, từ đúng trong trường hợp này là “việt vị”. Lỗi vị trí mà ta vừa nói trên, Từ điển tiếng Việt(Hoàng Phê chủ biên, 1992) định nghĩa như sau: “Lỗi của cầu thủ bóng đá khi nhận bóng để tiến công ở sân đối phương mà phía trước không có hai cầu thủ của đối phương” (tr.1094) (tức nhận bóng phía dưới hàng hậu vệ của đối phương, khi trước mặt chỉ còn thủ môn của đối thủ). Và cuốn từ điển này cũng chỉ ghi nhận một từ “việt vị” với định nghĩa trên mà thôi (không có mục từ “liệt vị”).
Vậy, “việt vị” là gì? Đây là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “việt” (bộ tẩu mang hàm nghĩa chạy) có nghĩa là “vượt qua”, như trong các từ [chạy] việt dã ([chạy] vượt qua cánh đồng), siêu việt (giỏi giang vượt lên trên hết), ưu việt(tốt đẹp vượt lên trên hết)… Còn “vị” (bộ nhân và chữ lập, hàm nghĩa chỉ chỗ đứng của một người) có nghĩa là “nơi, chỗ, vị trí”. Như vậy, “việt vị” là “vượt qua vị trí [không được phép vượt]”. Cụ thể, đó là vị trí của hậu vệ đứng thấp nhất bên phần sân đối phương.
Có người cho rằng, dùng từ “liệt vị” cũng có thể chấp nhận được. Vì “liệt vị” là… “vị trí bị tê liệt”, tức là vị trí (như đã nói trên) mà cầu thủ vượt qua thì bị thổi phạt, đợt lên bóng tấn công không thành, coi như bị… tê liệt. Thật ra, đây chỉ là suy luận mà thôi. Vì cơ bản, trong tiếng Việt, không có từ “liệt vị”.
Chỉ trong tiếng Hán mới có từ mà âm Hán Việt của nó là “liệt vị”. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó khác hoàn toàn so với từ “việt vị” trong tiếng Việt. Từ “liệt vị” này đồng nghĩa với từ (mà âm đọc Hán Việt của nó là) “chư vị”. Đây là những đại từ nhân xưng mang sắc thái trang trọng mà trong tiếng Việt của chúng ta có các từ tương đương như “quý vị”, “các vị”, “các ngài”…
Tóm lại, để chỉ lỗi vị trí của cầu thủ khi đứng dưới hàng hậu vệ của đối phương, chỉ có một từ đúng là “việt vị” mà thôi. “Liệt vị” chẳng qua là do nhầm lẫn về âm đọc mà thành.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 23.6.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét