(GLO)- Mùa hè năm 2015, tôi lên Kbang lần đầu tiên. Tôi ở tại đây hai tuần để hỗ trợ một người bạn làm luận văn thạc sĩ về địa danh ở huyện Kbang. Chúng tôi đã lang thang qua khắp các vùng miền của quê hương Kbang xinh đẹp. Kết thúc hai tuần điền dã, tôi chia tay bạn và tạm biệt Kbang để về lại thành phố. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp trở lại nơi này.
Nhiều khi, tự dưng nghe lòng tràn lên nỗi nhớ về miền đất Cao nguyên nắng gió bạt ngàn, nơi đã cho tôi những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
Tôi nhớ những ngày với cùng bạn đèo nhau trên con ngựa sắt cà tàng đi tất cả các xã, đến từng buôn làng xa xôi để thống kê, tìm hiểu các địa danh. Nhờ đó, chúng tôi biết được sự ra đời, ý nghĩa, phương thức đặt tên của nhiều tên núi, tên sông, tên buôn, tên chợ… Cũng từ đó mà tôi hiểu thêm rất nhiều về điều kiện tự nhiên, về lịch sử, văn hóa và con người ở Kbang. Rồi chẳng biết từ bao giờ, Kbang với tôi trở nên gắn bó.
Tôi nhớ những lần ghé vào nhà người dân dọc trên những con đường mà anh em tôi đã đi qua. Khi hỏi về sự tích, ý nghĩa của tên một ngọn núi, dòng sông, ngọn đèo, con dốc, dòng thác…, chúng tôi được các cụ già làng, các a mí say sưa kể cho nghe. Rồi sau những câu chuyện cuốn hút như kể khan ấy, chúng tôi được mời ngồi lại bên ché rượu cần, ống cơm lam, trái bắp nướng… và kể cho nghe bao nhiêu điều về miền đất Kbang huyền thoại. Nhiều lần, tôi cứ ngỡ mình đã là con cái Kbang.
Sau mỗi ngày đường rong ruổi khắp các buôn làng để thu thập, xử lý tư liệu, chúng tôi lại dành cho mình những phút giây thư giãn. Chúng tôi thường chạy xe qua những con đường dài rộng giữa mênh mông đất trời. Kbang có những cung đường tuyệt đẹp. Đã không ít lần tôi phải dừng xe lại giữa được để tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc tươi đẹp và không gian thanh bình của những con đường quanh co uốn lượn, hai bên đường mọc tràn cỏ hoa giữa Cao nguyên thênh thang lộng gió. Về thành phố rồi, nhiều lúc chợt nghe lòng thao thiết những nẻo đường thương nhớ Kbang…
Bạn tôi là người Kbang (Gia Lai) nên rất am tường về vùng đất này. Bạn thường chở tôi đến với các buôn làng để tìm hiểu thêm về văn hóa của quê hương. Tôi được bạn đưa đi xem dệt thổ cẩm, xem đấu cồng chiêng, uống rượu cần nghe kể sử thi, đến thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, tham quan Làng Kháng chiến Stor… Đặc biệt, tôi được đưa đến những ngọn thác nổi tiếng của Kbang. Kbang quả là thiên đường của thác nước. Nơi đây có đến hàng chục ngọn thác lớn nhỏ mà thác nào cũng hùng vĩ, hoang sơ. Từ thác K50, thác H’Mui, thác Tóc Tiên, thác Đak Lốp, thác Takaylung, thác Đak Krong đến thác Kon Lốc 2, thác nào chúng tôi cũng đã đến và dừng lại rất lâu. Ban đầu chúng tôi dự định chỉ đến chụp hình tư liệu nhưng rồi lại bị chinh phục ngay bởi vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của những ngọn thác nước tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng Kbang. Tôi dám quả quyết rằng, hiếm nơi đâu trên đất nước mình thác lại nhiều và đẹp như ở Kbang…
Tháng 9 năm ấy, bạn tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành ngôn ngữ học với đề tài “Địa danh ở huyện Kbang, Gia Lai” với kết quả xuất sắc. Sau hôm bảo vệ, chúng ta ngồi lại với nhau một hôm, kể lại những ngày rong ruổi khắp Kbang để điền dã, thu thập thông tin và trải nghiệm về nơi này.
Giờ đây, giữa thành phố bộn bề công việc, tôi vẫn chưa thu xếp được thời gian lên Kbang thăm bạn, thăm lại những con đường, thác nước, buôn làng thân thương mà mình từng đi qua. Nhiều khi nằm nghĩ về những ngày tuyệt vời giữa Kbang tươi đẹp, chợt nghe lòng mình da diết nhớ thương.
Bút danh PHẠM TUẤN
Đăng trên mục "Điểm đến Gia Lai", báo Gia Lai ngày 4.6.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét