(GLO)- Nằm dọc theo quốc lộ 14, cách trung tâm TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) 7 km về phía tây bắc, hồ T’Nưng (còn gọi là Tơ Nuêng, Ea Nueng hay Biển Hồ) là một thắng cảnh nổi tiếng của cao nguyên đất đỏ. Hồ T’Nưng quanh năm nước đầy ăm ắp, trong veo và xanh biếc một màu, được xem là hòn ngọc quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho người Tây Nguyên.
Trong truyền thuyết của người Jrai, nguồn gốc của hồ T’Nưng bắt nguồn từ một câu chuyện đau buồn. Xưa kia, tại hồ chính là một buôn làng đông vui. Dân làng hằng ngày ca hát, tiếng chiêng tiếng cồng âm vang khắp đại ngàn. Rồi một ngày nọ, trâu bò trong làng bỗng dưng lăn ra chết, núi lửa bất ngờ phun trào vùi lấp cả buôn làng. Những người còn sống sót khóc thương người thân khôn nguôi, nước mắt đọng thành hồ nước còn đến bây giờ.
Theo các nhà khoa học, hồ T’Nưng chính là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm trước. Vì hồ có diện tích rất rộng (hơn 220 ha), khi gió thổi mạnh thường có sóng lớn nên được gọi là “biển” (t’nưng trong tiếng Jrai có nghĩa là “biển trên núi”, tên gọi “Biển Hồ” là do người Kinh đặt sau này). Hồ ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có độ sâu trung bình từ 12-16 mét, với trữ lượng nước 25-30 triệu m3. Nước ở hồ trong, quanh năm hầu như không bao giờ cạn, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Pleiku.
Hồ T’Nưng nổi bật giữa đại ngàn Trường Sơn với vẻ đẹp hoang sơ, tươi mát. Tìm đến “đôi mắt Pleiku” bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp trong veo, thơ mộng, thoáng một chút buồn nhưng lãng mạn của hồ. Bờ hồ cong cong ôm lấy những triền đồi. Mặt hồ hình bầu dục, nhìn trên cao như một chiếc gương nằm giữa đại ngàn. Nước ở hồ trong biếc nằm im soi bóng mây trời. Hồ được bao phủ bởi những rừng thông bạt ngàn xanh thẳm. Con đường dẫn xuống hồ đẹp như một bức họa với với hai bên là những bụi dã quỳ xanh biếc, đến mùa lại vàng rực cả một trời hoa. Cuối đường là một bậc tam cấp bằng đá dẫn lên ngồi nhà lồng xinh đẹp ở trên cao. Tại đây, có thể phóng hết tầm mắt để nhìn ngắm cái miên man của sóng nước Biển Hồ, cái xanh ngút ngàn đến vô tận của mặt nước, rừng thông nối tiếp vào da trời.
Đến hồ T’Nưng vào mùa nào cũng thấy đẹp và thơ mộng. Mùa này, đến Biển Hồ, lang thang giữa hai lối dã quỳ hoa rộ vàng ấm, lắng lòng mình nghe tiếng gió hàng thông reo, hòa mình giữa mênh mông sóng nước, nghe cái se se lạnh từ rừng thông phả vào da thịt và lùa qua kẽ tay, cùng bạn bè, người thân ghi lại những khoảnh khắc yêu thương sẽ là những trải nghiệm thú vị mà chắc chắn sẽ còn đọng lại nhiều dư vị trong lòng lữ khách. Lên Phố núi Pleiku nói riêng, miền cao nguyên đất đỏ nói chung, sẽ chưa thật trọn vẹn nếu bạn chưa một lần đến với “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”.
Phạm Tuấn Vũ
Bài đăng trên Báo Gia Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét