Đây là hai từ khá đặc biệt trong lớp từ về giao thông trong tiếng Việt, đồng thời mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo.
Quá giang là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, quá thuộc bộ sước, có một nghĩa là “qua, đi qua” (như trong quá cảnh, quá khứ, quá trình); giang thuộc bộ thủy, nghĩa là “sông lớn” (như trong giang hồ, giang sơn, Lại Giang). Quá giang có thể hiểu là “qua sông”. Nghĩa ban đầu của từ này là “đi nhờ [đò] sang sông”.
Nhưng sau này, tuy không phải đi nhờ ghe đò (mà có thể đi nhờ xe máy, ô tô), không phải để sang bên kia sông (mà đi một quãng đường), tức không liên quan gì đến đò giang, người ta vẫn dùng từ quá giang. Rõ ràng, quá giang vốn dùng trong lĩnh vực đường thủy đã được mượn để dùng trong các loại hình giao thông khác. Trong tiếng Việt hiện nay, quá giang được dùng với nghĩa mở rộng là “đi nhờ một phương tiện vận tải nào đó”.
Về xe đò, thoạt tiên, hẳn nhiều người sẽ nghĩ từ này cùng phương thức cấu tạo và trường nghĩa với các từ xe cộ, ghe thuyền, tàu xe... Mặc dù hai yếu tố cấu tạo bình đẳng về nghĩa (đều chỉ một loại phương tiện vận tải), tuy nhiên, xe đò lại không mang nghĩa khái quát như các từ trên. Nó chỉ được dùng để chỉ một loại xe vận tải là xe chở khách đường dài. Về nghĩa, nó tương đương với xe ca, xe khách. Có điều này là do yếu tố đò. Đò trong xe đò không bình đẳng với xe như cộ trong xe cộ. Nó được tham gia tạo từ không phải với tư cách tên một loại phương tiện vận tải mà chỉ được mượn chức năng “chở khách” để làm định tố cho xe mà thôi.
Như vậy, cả quá giang lẫn xe đò đều chung nhau ở đặc điểm là từ dùng trong lĩnh vực đường thủy đã được mở rộng nghĩa để dùng trong phạm vi lớn hơn với nhiều lĩnh vực giao thông khác nhau. Điều này chứng tỏ văn hóa sông nước chiếm giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 3.6.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét