Đây là một thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt (ngoài ra, còn có các biến thể như: "lặng như tờ", "lặng im như tờ"). Chúng ta thường xuyên dùng nó nhưng ít khi quan tâm (chủ yếu do không hiểu) yếu tố cuối, cũng là đối tượng để so sánh, của thành ngữ này: "tờ". Vậy, "tờ" trong thành ngữ trên là gì?
Nhiều người cho rằng, "tờ" ở đây chính là "tờ giấy". Tuy nhiên, cách giải thích này không ổn ở hai điểm sau: 1. Tính chất của tờ giấy là "phẳng", do đó không thể làm chuẩn để ví cho lặng ngắt với nghĩa “im lặng và vắng ngắt” (vì đây là hai dạng trạng thái khác nhau). 2. Trong tiếng Việt, "tờ" là danh từ chỉ loại (cùng loại với "cái", "chiếc", "con"…), xuất hiện trong các tổ hợp: "tờ đơn', "tờ quyết định", "tờ thư", "tờ tiền"… Nó không mang nghĩa cụ thể, ít khi đứng một mình, do đó không thể làm yếu tố B vốn hết sức cụ thể, tiêu biểu trong cấu trúc so sánh A như B.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, "tờ" trong thành ngữ trên vốn là do "từ" trong "từ đường" đọc chệch mà thành. Về nghĩa, từ là nơi thờ cúng tổ tiên, vốn yên ắng, tĩnh mịch, trang nghiêm, ít người lui tới; cho nên, tiêu biểu cho tính chất lặng ngắt và do đó, thích hợp để làm yếu tố B của câu thành ngữ trên.
Về âm, giữa "từ" và "tờ" chỉ là một bước biến đổi ngắn giữa hai vần /ư/ và /ơ/. Như đã biết, /ư/ và /ơ/ cùng là âm hàng giữa lưỡi, chúng có thể dễ dàng chuyển hóa cho nhau. Ngữ âm học lịch sử ghi nhận nhiều trường hợp chuyển đổi giữa /ư/ và /ơ/, chẳng hạn: [bằng] cứ ~ [bằng] cớ, tư (nhớ, nghĩ) ~ tơ [tưởng], gửi thư (miền Bắc) ~ gởi thơ (miền Nam), ông bà ta dùng chữ Hán "nhữ" để ghi âm cho chữ Nôm "nhớ"…
Như vậy, "tờ" trong thành ngữ trên chính là từ đường, một sự vật rất tiêu biểu cho tính chất lặng ngắt. Cũng cần nói thêm, tính chất của "từ" là lặng chứ không phải "lạnh". Đây là lý do để khẳng định "lạnh ngắt như tờ" là cách dùng sai.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 13.5.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét