Chúng ta thường hiểu/ dùng từ chủ xị với nghĩa “chủ của một buổi nhậu”
vì yếu tố xị gợi nhớ đến tổ hợp xị rượu, làm xị. Nhưng sẽ khá bất ngờ nếu ta biết chủ xị mang nghĩa rộng hơn và nó chính là chủ tịch.
Chủ tịch âm Bắc Kinh là “zhǔ xí”. Nó theo chân người Hoa đến nước
ta, vào tiếng Việt và dần được đọc thành “chủ xị”. Chủ xị phổ biến trong phương ngữ Nam Bộ. Theo nhiều nhà nghiên cứu,
có lẽ từ này ra đời tại Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, thời kỳ mà nhiều người
Hoa đến xin định cư, lập nghiệp tại đây.
Chủ xị vốn là chủ tịch. Vậy
thì chủ tịch là ai? Từ điển tiếng Việt định nghĩa đây là “người
đứng đầu lãnh đạo một cơ quan làm việc theo chế độ hội đồng”, “người điều khiển
một cuộc họp; chủ tọa” và là “người đứng đầu nhà nước trong một số nước cộng
hòa dân chủ” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.174). Nhưng từ đâu chủ tịch lại mang nghĩa trên?
Trong tiếng Hán, chủ (bộ chủ) nghĩa là “người chủ,
người đứng đầu”; tịch (bộ cân) là “cái chiếu”. Ban đầu, chủ tịch là “người ngồi ở vị trí đầu của
chiếc chiếu”, “người chủ của một buổi tiệc” rồi dần mở rộng nghĩa như được dùng
hiện nay. Các tổ hợp chiếu dưới, chiếu trên, ngồi chiếu dưới, ngồi chiếu
trên trong tiếng Việt cũng bắt nguồn từ văn hóa trải chiếu họp bàn, dự tiệc
và có tương quan với chữ tịch vừa nên
trên.
Cũng cần nói thêm, tiệc (như trong ăn tiệc, bữa tiệc, tiệc cưới, tiệc tùng) trong tiếng Việt vốn có gốc Hán và bắt nguồn từ chính chữ
tịch trong chủ tịch. Về nghĩa, tịch ngoài
nghĩa “chiếc chiếu” (như trúc tịch là
“chiếu tre”) còn mang nghĩa “tiệc, bàn tiệc” (như tửu tịch là “tiệc rượu”). Mối quan hệ giữa chiếc chiếu và bữa tiệc
trong văn hóa xưa (và cả nay) thì chúng ta đã rõ.
Còn về âm, giữa /-ich/
và /-iêc/ là mối quan hệ ngữ âm lịch sử. Hai vần này có thể dễ dàng chuyển hóa
cho nhau, như đã thấy trong nhiều trường hợp: bích [thảo] ~ [cỏ] biếc; [đơn] chích ~ [đơn] chiếc; [khả] tích ~ [đáng] tiếc…
ThS PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 19.5.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét