Trong kháng chiến chống Mỹ, Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) là địa bàn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, giữ vị trí trung tâm của cả tỉnh, là nơi tiếp nối giữa các huyện phía đông và các huyện phía tây, nơi diễn ra thế trận đối đầu, giằng co quyết liệt giữa ta và địch.
Nhận thấy Tiên Phước có địa hình hiểm trở, là quê hương giàu truyền thống cách mạng, có thế trận lòng dân vững chắc, Tỉnh ủy Quảng Nam đã quyết định chọn nơi đây làm căn cứ lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Xã Tiên Sơn là nơi giao nhau của ba tuyến đường giao thông chiến lược, có tầm khống chế cả vùng đồng bằng rộng lớn phía nam và uy hiếp được các huyện miền núi phía tây nên được chọn để đặt căn cứ kháng chiến trong suốt thời gian dài từ năm 1963 đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng.
Tại xã Tiên Sơn, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam đã có hai lần đứng chân hoạt động: Lần thứ nhất từ cuối năm 1963 đến cuối năm 1965; lần thứ hai từ tháng 1-1973 đến tháng 3-1975. Trong hai lần này, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ cách mạng quan trọng như phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, tấn công địch với phương châm “hai chân, ba mũi giáp tiến công”; chỉ đạo thắng lợi chiến dịch giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm…
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam đặt tại Tiên Sơn, phong trào cách mạng tại Quảng Nam ngày càng lớn mạnh, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiên Phước là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Nơi đây là khởi điểm và đỉnh cao của phong trào Duy Tân tại Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhất là trong thời gian Tỉnh ủy Quảng Nam đặt căn cứ, đồng bào các dân tộc nơi đây đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, hết lòng bảo vệ cơ sở của Đảng, anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ căn cứ địa cách mạng, nuôi giấu cán bộ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cách mạng Quảng Nam.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, vùng căn cứ địa cách mạng chiến khu xưa đã có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Tiên Phước ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những ký ức hào hùng về một thời kỳ kháng chiến oanh liệt cùng truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Tiên Phước vẫn còn in rõ trong tâm trí của nhiều người. Năm 2015, căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tại Tiên Sơn được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào lớn lao của nhân dân trên mảnh đất Tiên Phước anh hùng, cái nôi của cách mạng Quảng Nam.
Bút danh PHẠM TUẤN
Đăng báo Đắc Lắc ngày 20.4.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét