Trong thói quen ngôn ngữ của nhiều người, từ “tựa đề” được dùng như “nhan đề”, tức cùng chỉ tên của một quyển sách, tác phẩm, văn bản… (trở xuống xin gọi chung là “tác phẩm”). Trong ngôn ngữ sinh hoạt, thậm chí cả trong ngôn ngữ báo chí, ta thường gặp những cách dùng như: “Tôi xin trình bày một ca khúc có tựa đề là…”, “Tôi được mời tham gia bộ phim có tựa đề…”.
Có thể khẳng định, đây là những cách dùng từ sai vì không nắm rõ nghĩa của từ. Bởi “nhan đề” và “tựa đề” là hai từ khác nhau, chỉ hai đối tượng không giống nhau.
“Nhan đề” là một từ gốc Hán. Trong đó, “nhan” có nghĩa là “vẻ mặt”, “đề” có nghĩa “tên đề lên, viết chữ lên trên khiến cho người trông thấy là biết ngay gọi là đề”. “Nhan đề” chính là tên của văn bản, tác phẩm… do chính tác giả đặt. Vì tên của mỗi tác phẩm được xem như “vẻ mặt” của nó nên mới có cách dùng hình ảnh “nhan đề”.
Còn “tựa đề” là gì? Cũng là “đề” nhưng đây là phần “lời tựa”. Cho nên ta mới có động từ “đề tựa”, tức viết lời tựa cho tác phẩm. “Tựa đề” không phải là tên, mà là phần “tựa” cho tác phẩm, thường do chính tác giả viết. Nó được viết sau nhan đề, thường dài một vài dòng đến một vài trang, chủ yếu để giới thiệu về tác phẩm. Cũng cần nói thêm, “tựa” trong tiếng Việt bắt nguồn từ chữ “tự” (bộ nghiễm) trong tiếng Hán, nghĩa là “bài tựa”, bởi mối quan hệ giữa hai khuôn vần /ư/ và /ưa/ là mối quan hệ lịch sử như đã thấy trong [lưỡng] lự ~ [lần] lữa, cự ~ cựa [gà],[tương] tự ~ tựa [như], tự hồ ~ tựa hồ…
Liên quan đến “đề”, trong tiếng Việt còn có “đầu đề”, “tiêu đề”. “Đầu đề” là “cái đề ở đầu tác phẩm”, tức là “nhan đề”. Còn “tiêu đề” có thể hiểu là “cái đề làm tiêu điểm, gây chú ý”. Đây là nhan đề nhỏ hoặc tên của một phần, một chương mục trong tác phẩm, thường được đặt “để gợi sự chú ý”.
Như vậy, “nhan đề”, “tiêu đề” và “tựa đề” là ba từ khác nhau hoàn toàn. Khi sử dụng, ta cần phần biệt rõ để tránh nhầm lẫn.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng báo Bình Định ngày 25.4.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét