Là tác giả lớn của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, Phạm Hổ (quê ở TX An Nhơn) có nhiều tác phẩm được chuyển thể (phổ nhạc, dựng phim). Ðầu năm 2017, truyện cổ tích hiện đại “Sự tích hoa phượng” (rút từ tập truyện “Chuyện hoa, chuyện quả” nổi tiếng của ông) được dựng thành phim hoạt hình với nhan đề “Truyền thuyết hoa phượng đỏ” (do Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất). Tháng 5 vừa rồi, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phạm Hổ (2007-2017), kịch bản của phim được in thành sách (NXB Kim Ðồng xuất bản).
Ðiều đặc biệt, tác giả kịch bản trên không ai khác chính là nhà biên kịch Phạm Sông Ðông, con gái út của nhà thơ Phạm Hổ, một trong những nhà biên kịch phim hoạt hình uy tín nhất hiện nay.
“Sự tích hoa phượng” là đầu sách thứ hai về kịch bản phim hoạt hình của chị, sau “Xe đạp và những kịch bản hoạt hình đặc sắc” (NXB Kim Ðồng, 2014). Chuyển thể từ tác phẩm truyện của cha, Phạm Sông Ðông vừa kế thừa, tiếp thu, vừa có những phát triển mới. Gần như toàn bộ cốt truyện của văn bản gốc được giữ nguyên.
Tuy nhiên, để xây dựng “Sự tích hoa phượng” thành một kịch bản phim với độ dài lên đến 30 phút, chị đã thêm vào câu chuyện gốc một số nhân vật, hành động, chi tiết… cần thiết. Và đúng như nhận xét trong Lời giới thiệu sách của nhà báo Ngô Minh Nguyệt, “chị đã khoác thêm nhiều chi tiết, hoạt động, những tính cách, số phận để cỏ cây, hoa lá một lần nữa hiện lên qua màu sắc, đường nét, sự chuyển động và tạo hình riêng của ngôn ngữ hoạt hình”.
Kế thừa ý tưởng từ cha, kịch bản của Phạm Sông Ðông không chỉ nhằm giải thích về nguồn gốc của loài hoa gắn với tuổi học trò mà còn mong muốn mang đến độc giả một câu chuyện cảm động về tình thầy trò, tình yêu quê hương, về lòng nhân ái, đoàn kết, dũng cảm, về lẽ thiện ác ở đời. Nối tiếp sự thành công trong văn bản gốc của nhà thơ Phạm Hổ, “Sự tích hoa phượng” của chị là một kịch bản hay, đặc sắc, rất đáng đọc.
Phạm Tuấn Vũ
Bài đăng trên Báo Bình Định ngày 16.6.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét