Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

TÌNH MẪU TỬ TRONG THƠ THIẾU NHI CỦA PHẠM HỔ (Phạm Tuấn Vũ)


1. Phạm Hổ (1926-2007), quê ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), em trai của nhà văn Phạm Văn Ký, anh trai của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, là tác giả có nhiều đóng góp cho nền văn học hiện đại nước ta. Hoạt động nghệ thuật của ông khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực như văn chương, âm nhạc, hội họa, quản lí… Ở lĩnh vực văn chương, ông được biết đến như là một trong những tác giả lớn của văn học thiếu nhi Việt Nam. “Trong các nhà văn viết cho thiếu nhi, Phạm Hổ được đánh giá là một cây bút đa dạng. Ông làm thơ, viết văn xuôi và sáng tác cả kịch. Sự nghiệp văn học cho thiếu nhi của ông rất phong phú, là kết quả của một đời tâm huyết”.

Thơ thiếu nhi Phạm Hổ khá đa dạng về đề tài. Phổ biến và thành công hơn cả trong thơ viết cho các em của ông là những đề tài gần gũi với thế giới trẻ thơ như tình bạn, tình mẫu tử,… Trong 9 tập thơ thiếu nhi của Phạm Hổ (Chú bò tìm bạn, Em thích em yêu, Những người bạn nhỏ, Bạn trong vườn, Từ không đến mười, Mẹ, mẹ ơi cô bảo, Những người bạn im lặng, Chú Vịt Bông, Những người bạn ồn ào), không khó để bắt gặp những bài thơ hay, cảm động viết về tình mẹ con. Thơ thiếu nhi đề tài tình mẫu tử của ông không những có số lượng lớn mà còn mang nhiều giá trị đặc sắc.

Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng, cao quý trên đời. Đối với trẻ em, tình mẹ con có lẽ là tình cảm đầu tiên và quan trọng nhất. Người mẹ dường như là tất cả của trẻ thơ và thế giới trẻ thơ bao giờ cũng ngập tràn hình bóng thân thương của mẹ. Nắm bắt được đặc điểm tâm lí này, khi viết cho các em, Phạm Hổ, nhà thơ luôn ý thức về ngòi bút của mình với phương châm “được viết cho các em là cả một hạnh phúc”, đã giành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài tình mẹ con. Thơ thiếu nhi viết về tình mẫu tử của Phạm Hổ vì thế phần lớn đều hay, nhiều bài thật sự thành công, để lại ấn tượng sâu đậm, được nhiều bạn nhỏ yêu thích, một số được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

2. Trong thơ thiếu nhi của Phạm Hổ, chúng ta dễ bắt gặp những câu chuyện đời thường, gần gũi mà ở đó, tình mẹ con được thể hiện một cách cảm động, chân thành. Đó là chuyện mẹ ốm và nỗi lo lắng không yên của “em” khi phải đến trường, không có ai chăm sóc mẹ trong bài U ốm:

U ốm nằm nhà 
Không ra đồng được 
U đắp kín chăn 
Mặt quay vào vách

Em vẫn đi học 
Đường xa càng xa 
Người em ở lớp 
Bụng em ở nhà. 

U uống thuốc chưa? 
Hạ rồi cơn sốt? 
Vắng vẻ một mình 
U vui sao được…

Đó là nỗi nhớ mong, trông ngóng của bé lúc ốm khi mẹ vắng nhà trong bài Bé ốm:

Ve đâu kêu trong đầu
Lửa đâu chui vào người
Bé sốt, nhìn ra ngõ
Nhớ mẹ lắm, mẹ ơi!

Hay đó là những khó khăn, vất vả cùng nỗi nhớ thương của ba bố con trong những ngày mưa bão khi mẹ về quê được “em” kể lại trong bài Mẹ vắng nhà ngày bão:

Mấy ngày mẹ về quê 
Là mấy ngày bão nổi 
Con đường mẹ đi về 
Cơn mưa dài chặn lối 

Hai chiếc giường ướt một 
Ba bố con nằm chung 
Vẫn thấy trống phía trong 
Nằm ấm mà thao thức.

Hoặc như câu chuyện giữa mẹ và bé về chiếc áo phơi khô trong bài thơ Rình xem mặt trời với những câu hỏi ngây thơ mà đáng yêu về hiện tượng nước bốc hơi mà bé chưa giải thích được:

Sáng mát mẹ phơi áo 
Chiếu xế mẹ lấy vào 
Bé sờ áo, hỏi mẹ: 
- Nước trên áo đi đâu? 

Mẹ cười chỉ mặt trời: 
- Ông mặt trời uống đấy!
Bé tin mẹ, hỏi thêm: 
- Uống lúc nào không thấy..?

Thơ viết cho các em của Phạm Hổ còn nhiều câu chuyện đơn sơ mà cảm động như thế. Đó không phải là những câu chuyện lớn lao, xa lạ. Trái lại, từ những điều giản dị, đời thường trong cuộc sống thường nhật, tình cảm gia đình, tình mẹ con sẽ bộc lộ một cách tự nhiên. Hướng ngòi bút của mình đến đối tượng độc giả là các em, nhà thơ rất ý thức trong việc xây dựng những mẩu chuyện nhỏ, gần gũi với cuộc sống thường ngày của các bé. Từ những câu chuyện đó, tình mẫu tử thiêng liêng, nhất là tấm lòng yêu thương của các bé dành cho mẹ, được thể hiện thật dung dị, tự nhiên mà chân thành, sâu sắc.

3. Một bộ phận lớn trong thơ thiếu nhi của Phạm Hổ là những bài thơ viết theo hình thức nhân cách hóa đồ vật, con vật, cỏ cây. Trong bộ phận thơ về đề tài tình mẹ con, những bài viết theo hình thức này cũng chiếm số lượng lớn. Nhân cách hóa là một thủ pháp quen thuộc trong văn học thiếu nhi bởi nó phù hợp với cái nhìn nhân cách hóa xem mọi vật đều có tâm hồn, tình cảm của trẻ. Thể hiện những cung bậc, sắc màu của tình mẹ con bằng thủ pháp này, Phạm Hổ đã thành công trong việc mang tới cho độc giả nhí của mình những vần thơ tươi vui, đáng yêu, ngộ nghĩnh mà cũng thật sâu sắc, ý nghĩa về tình mẹ con. Bút pháp nhân cách hóa vừa tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời góp phần làm nên dấu ấn riêng của nhà thơ trong việc triển khai, xây dựng đề tài tình mẫu tử trong thơ viết cho thiếu nhi.

Thông qua những câu chuyện giữa mẹ và con của loài vật, thơ thiếu nhi Phạm Hổ đã thể hiện thành công nhiều phương diện trong tình mẫu tử. Qua câu chuyện gà ấp trong bài thơ cùng tên, người đọc sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ trong những ngày mang thai, ngóng đợi ngày con chào đời:

Bụng mẹ êm ấm
Trứng nằm bên nhau…
“Trứng nào nở trước
Trứng nào nở sau
Mấy cô gà trắng?
Mấy chú gà nâu?
Chúng sẽ bên nhau
Cùng khôn lớn cả
Trống, sẽ giống bố
Dậy sớm gáy hay
Mái, sẽ giống mẹ
Chăm đẻ từng ngày”
Mẹ gà chớp mắt
Nghĩ càng thấy vui
Quên diều lép thóc
Chờ con ra đời…

Cũng qua hình ảnh mẹ gà dang đôi cánh che chở đàn con, ngẩng đầu canh chừng bọn diều quạ trong bài thơ Đàn gà mới nở, ta cảm nhận được sự an toàn, yêu thương, ấm áp khi những người con được ở bên cạnh mẹ:

Mẹ dang đôi cánh 
Con biến vào trong 
Mẹ ngẩng đầu trông 
Bọn diều, bọn quạ

Và cũng trong bài thơ đặc sắc này, tình yêu thương, niềm hạnh phúc của người mẹ cùng những ngày tháng êm đềm, quấn quýt của mẹ con được thể hiện một cách sinh động qua hình ảnh mẹ gà và đàn con mới nở:

Con mẹ đẹp sao 
Những hòn tơ nhỏ 
Chạy như lăn tròn 
Trên sân, trên cỏ 

Vườn trưa gió mát 
Bướm bay rập rờn 
Quanh đôi chân mẹ 
Một rừng chân con

Thế giới loài vật trong thơ thiếu nhi về đề tài tình mẫu tử của Phạm Hổ khá đa dạng. Nhìn chung, hầu hết đều là những con vật hiền lành, đáng yêu, gần gũi như mẹ đàn gà, mẹ con nhà cua, mẹ bò và bê,… Trong nhiều bài thơ, bằng thủ pháp nhân cách hóa, tác giả để hai nhân vật mẹ con đối thoại, chuyện trò cùng nhau. Từ đó, tình cảm mẹ con toát lên một cách nhẹ nhàng, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ví như câu chuyện của mẹ con nhà cua về chị lúa trong bài Gió và lúa:

Cua con hỏi mẹ 
- Dưới ánh trăng đêm 
Cô lúa đang hát 
Sao bỗng lặng im? 

Đôi mắt lim dim 
Mẹ cua liền đáp: 
- Chú gió đi xa 
Lúa buồn không hát!

Hay như qua những lời giục mẹ đòi bú của chú bê và lời “mắng yêu” đầy âu yếm của mẹ bò trong bài Bê đòi bú, bạn đọc sẽ phải bật cười trước sự “ham ăn háo uống” của bê con và rồi từ đó, cảm nhận được nét hồn nhiên của trẻ và tình yêu thương của người mẹ:

- Nhanh cho con bú tí 
Đói, đói rồi mẹ ơi! 
- Gì mà nhặng lên thế 
Mới nhả vú đấy thôi 
- Nhả vú là đói rồi 
Mẹ ơi, con bú tí!

Có thể nói, thủ pháp nhân cách hóa đã làm cho thế giới loài vật trong thơ thiếu nhi Phạm Hổ trở nên gần gũi với con người. Tình cảm mẹ con của các con vật trong những bài thơ ấy mang bóng dáng của tình cảm con người rõ rệt, là một cách thể hiện sinh động, độc đáo cho đề tài tình mẫu tử. Đây là một trong những thành công của thơ thiếu nhi Phạm Hổ.

4. Để thể hiện đề tài tình mẫu tử, Phạm Hổ đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật khác nhau, trong đó, hầu hết đều phục vụ đắc lực cho ý đồ nghệ thuật của nhà thơ và mang lại nhiều giá trị thẩm mĩ độc đáo, quan trọng.

Ngôn ngữ thơ thiếu nhi Phạm Hổ nói chung, thơ thiếu nhi về đề tài tình mẫu tử nói riêng mang đặc điểm trong sáng, giàu nhạc điệu, hình ảnh và sức biểu cảm. Trong những bài thơ viết về tình mẹ con, nhà thơ huy động sử dụng các đại từ nhân xưng có tính chất gần gũi, thân mật (mẹ-con, em-mẹ, bé-mẹ…), các thán từ, từ gọi đáp thể hiện tình cảm thân thiết (ơi, mẹ ơi, u ơi, ạ, nhé…), nhiều bài thơ bắt đầu bằng cụm từ “Mẹ, mẹ ơi…” là tiếng gọi mến thương hằng ngày của trẻ (Nói điều hay, Bàn tay như búp lan, Học chữ, Chim,Thuyền và cá…),… Lớp từ ngữ này có tác dụng rõ rệt trong việc thể hiện tình cảm giữa các nhân vật trữ tình trong thơ, qua đó, góp phần thể hiện thành công tác phẩm.

Giọng điệu cũng là một thành công trong thơ thiếu nhi về đề tài mẹ con của Phạm Hổ. Thơ ông, một số bài có giọng khách quan, một số giọng tinh nghịch nhưng nhìn chung đều mang giọng ngọt ngào, tâm tình, tha thiết; do đó, tỏ ra phù hợp với đề tài tình mẫu tử. Nhiều câu thơ, bài thơ của Phạm Hổ giống như lời thủ thỉ, chuyện trò, âu yếm, yêu thương giữa mẹ và con. Ví như bài Cô dạy mà có lẽ không bạn nhỏ nào không thuộc:

Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy: 
Phải giữ sạch đôi tay, 
Bàn tay mà giây bẩn, 
Sách, áo cũng bẩn ngay. 

Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy: 
Cãi nhau là không vui 
Cái miệng nó xinh thế 
Chỉ nói điều hay thôi.

Đặc biệt, Phạm Hổ rất ý thức và thường xuyên sử dụng kiểu kết cấu hỏi đáp, trò chuyện trong thơ về đề tài mẹ con. Trong thơ ông, lời thoại được sử dụng rất nhiều, thậm chí nhiều bài là những lời hỏi đáp, trò chuyện giữa hai nhân vật mẹ và con, như Bê đòi bú, Ngủ rồi, Bê hỏi mẹ, Gà con và quả trứng, Gió và lúa,… Ở các bài thơ này, từ những lời nói, hỏi ngô nghê, hồn nhiên, tò mò của con và những lời đáp, câu trả lời âu yếm, dịu dàng của mẹ, tình mẫu tử được thể hiện một cách giản dị, đáng yêu mà chân thành, sâu sắc. Chẳng hạn như bài Ngủ rồi dưới đây, một bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ thiếu nhi Phạm Hổ:

Gà mẹ hỏi gà con: 
- Đã ngủ chưa đấy hả? 
Cả đàn gà nhao nhao: 
- Ngủ cả rồi đấy ạ!

5. Nhận định về thơ Phạm Hổ, Tiến sĩ Lê Nhật Ký, người có nhiều năm nghiên cứu văn học thiếu nhi ở nước ta hiện nay, cho rằng: “Trong tương quan với các nhà thơ viết cho thiếu nhi, Phạm Hổ là người viết nhiều và viết hay. Thơ cho lứa tuổi nhi đồng của ông có nhiều đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật”. Tác giả Trần Xuân Toàn cũng khẳng định: “Lĩnh vực mà ông thành công hơn cả là văn thơ viết cho thiếu nhi. Điều đó, giúp ông có một vị trí trong nền văn học thiếu nhi hiện đại của nước ta”. Thật vậy, ông là tác giả lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học thiếu nhi nước ta. Với quan niệm viết cho thiếu nhi là “cả một hạnh phúc”, Phạm Hổ đã dành gần trọn đời mình để viết cho các em với hơn 50 tập với đủ loại: thơ, đồng thoại, tiểu thuyết, huyền thoại truyện ngắn, kịch ngắn, kịch dài, cổ tích viết mới, cổ tích kể thêm… Trong đó, thơ thiếu nhi, đặc biệt là mảng về đề tài tình mẫu tử, tình bạn là một trong những thành công lớn của ông. Với mảng đề tài tình mẫu tử, Phạm Hổ đã góp vào văn học Việt Nam nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng nhiều bài thơ hay, cảm động về tình mẹ con. Năm 2001, Phạm Hổ vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1). Đó là ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp quan trọng của ông đối với nền văn học nước nhà. 

Chú thích:

1. Lê Nhật Ký, “Những nhà văn viết cho thiếu nhi được giải”, báo Bịnh Định, ngày 11.1.2006.
2. Lê Nhật Ký, “Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng”, nguồn: http://www.thivien.net.
3. Trần Xuân Toàn, “Phạm Hổ - Nhà thơ của các em”, báo Bịnh Định, ngày 30.10.2003.

Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên
- Tạp chí Văn nghệ An Nhơn
- Tạp chí Chư Yang Sin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét