Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

VỀ ĐỊA DANH DIÊU TRÌ

* Hôm tàu lửa ghé lại ga Diêu Trì ở tỉnh Bình Định, nghe mấy hành khách cao niên nói với nhau rằng ga này xưa còn có tên là Dao Trì. Xin hỏi vì sao Diêu Trì cũng là Dao Trì? (Mậu Hoành, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Ga Diêu Trì nằm trong địa bàn thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đúng là Diêu Trì còn được gọi là Dao Trì.

Chữ Hán 瑶 tiếng Việt đọc là “dao”, danh từ, được Hán Việt từ điển giảng là “Ngọc dao, một thứ ngọc đẹp”. Dao còn được đọc là Diêu.

Dao Trì hay Diêu Trì, Từ điển Phật học online (phatgiao.org.vn) giảng là tên gọi một cái hồ trên núi Côn Lôn trong truyền thuyết cổ đại, là nơi Tây Vương Mẫu cư ngụ. Theo sách Sử Ký, phần Đại uyển Liệt truyện luận, núi Côn Lôn cao hơn 2.500 dặm, trên đó có suối nước ngọt gọi là Dao/Diêu Trì).

Dao/Diêu Trì đã đi vào thơ văn các thời đại. Lý Thương Ẩn (813-858), đại thi hào nhà Đường, có để lại bài thơ Diêu Trì: “Diêu Trì A Mẫu ỷ song khai/ Hoàng trúc ca thanh động địa ai/ Bát tuấn nhật hành tam vạn lý/ Mục Vương hà sự bất trùng lai” (Diêu Trì A Mẫu dõi trông ai/ Trúc vàng lời hát động ngân dài/ Tám ngựa một ngày ba vạn dặm/ Mục Vương cơ sự chẳng về đây).

Mạc Đĩnh Chi (1280-1346), cao quan dưới thời vua Trần Anh Tông, có làm bài điếu văn khóc công chúa bên Tàu khi đi sứ sang đó: “Thanh thiên nhất đóa vân, hồng lô nhất điểm tuyết, Thượng Uyển nhất chi hoa, Diêu Trì nhất phiến nguyệt. Y! Vân tán tuyết tiêu hoa tàn nguyệt khuyết” (Trời xanh một đóa mây/ Lò lửa một điểm tuyết/ Thượng uyển một cành hoa/ Diêu Trì một vầng nguyệt. Ôi! Mây tan tuyết tiêu hoa tàn trăng khuyết).

Phạm Thái (1777-1813) trong tác phẩm Sơ kính tân trang (Câu chuyện mới về lược và gương) của mình cũng đã sử dụng tên gọi này ở câu 297-298: “Mười lăm năm nhẫn tháng ngày/ Dao Trì lại được sánh bầy thiên tiên”.

Về sự biến âm Diêu → Dao, nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa giải thích trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 27-6-2006: “Diêu Trì có một âm khác là Dao Trì, vì hai vần iêu và ao có quan hệ chuyển đổi như triều đình - trào đình, sai biểu - sai bảo, hiếu danh - háo danh…”. Tác giả cũng nói thêm rằng, Dao Trì vốn có nghĩa là “cái ao bằng ngọc dao”, tức là nơi có cảnh trí đẹp, có người đẹp ở, cõi trên. Sách Liệt tiên truyện chép: Trong dãy núi Côn Lôn, trên đỉnh Quy Sơn, có cung điện của Tây Vương Mẫu, bên trái có Dao Trì (ao ngọc), bên phải có dòng Thúy Thủy (nước xanh).

Tác giả Phạm Tuấn Vũ trong một bài viết đăng trên Báo Bình Định ngày 18-10-2018 cũng cho biết thêm rằng, ngoài biến thể/chuyển hóa về ngữ âm học (iêu → ao), còn có nguyên tắc định danh: “... khi đặt tên cho một địa danh, người ta thường tuân thủ theo nguyên tắc dùng mỹ tự mang những hàm nghĩa tốt đẹp. Mỹ tự này thường có nguồn gốc trong kinh sách hoặc là sự kết hợp của các từ Hán Việt có sắc thái biểu cảm dương tính để nói lên ước mong tốt đẹp của người đặt tên đối với vùng đất được đặt tên. (…) Trong thời phong kiến, nguyên tắc định danh này lại càng được tuân thủ triệt để”.

Địa danh “Diêu Trì”, tức “Dao Trì”, tiêu biểu cho nguyên tắc này. “Dao Trì” là một địa danh văn hóa (tồn tại trong văn hóa). Khi đi vào văn chương, “Dao Trì” từ nghĩa chỉ một cảnh đẹp cụ thể dần chuyển sang mang nghĩa hoán dụ chỉ cảnh đẹp thần tiên nói chung.

ĐNCT

Nguồn: Báo Đà Nẵng cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét