Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

"QUÁN", CÓ MẤY CHỮ "QUÁN"



Quán với nghĩa “nhà nhỏ để bán hàng” trong tiếng Việt là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ quán (bộ thực) với nghĩa “quán trọ, cửa hiệu” trong tiếng Hán. Đây cũng là chữ quán trong các từ: Hàng quán, lữ quán, quán ăn, quán nét, quán xá… Chữ quán này còn có nghĩa “cơ quan, nơi làm việc”, như trong đại sứ quán, hội quán, quốc sử quán…

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

CHỮ "NIÊM" LÀ CHỮ "NIÊM" NÀO

Tiếng Việt có từ niêm với nghĩa “dán, dán kín lại”. Đây là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ niêm (bộ mễ hoặc bộ thử, đều liên quan đến gạo, nếp), có nghĩa là “chất keo, chất dính, dán vào”. Đây cũng là chữ niêm trong niêm phong (phong thuộc bộ thốn, nghĩa “gói lại”), niêm yết (yết bộ thủ, nghĩa “dựng lên, vạch ra, tỏ ra cho biết”). Chữ niêm này cũng xuất hiện trong các từ niêm dịch (dịch nhầy), niêm mạc (màng nhầy). Ở đây, niêm với nghĩa “nhầy” bắt nguồn từ nét nghĩa “chất keo” là chất có tính “dẻo, nhầy, dính”.

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

"CHỈNH CHU" HAY "CHỈN CHU"? (Bản gốc)


Chúng ta thường dùng chỉnh chu nhưng từ này hầu như lại không có trong các cuốn từ điển tiếng Việt. Từ được ghi nhận là chỉn chu. Vậy, từ đâu mà có sự nhầm lẫn này?

Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân chính. Về âm, chỉnh chu và chỉn chu có cách phát âm rất gần (ở một số địa phương, phát âm như nhau); hơn nữa, chỉnh chu dễ phát âm và thuận tai hơn so với chỉn chu. Về nghĩa, yếu tố chỉnh gợi liên tưởng đến các từ chỉnh đốn, chỉnh tề, hoàn chỉnh… tạo cảm giác vừa dễ hiểu vừa phù hợp với yếu tố chu mang nghĩa trong các từ chu đáo, chu tất, chu toàn… và nghĩa chung của cả từ. Trong khi đó, với người Việt hiện nay, chỉn gần như vô nghĩa. Chọn từ dễ phát âm, dễ hiểu hơn là xu hướng tất yếu.

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

"QUÁ GIANG" VÀ "XE ĐÒ"


Đây là hai từ khá đặc biệt trong lớp từ về giao thông trong tiếng Việt, đồng thời mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo.

Quá giang là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, quá thuộc bộ sước, có một nghĩa là “qua, đi qua” (như trong quá cảnh, quá khứ, quá trình); giang thuộc bộ thủy, nghĩa là “sông lớn” (như trong giang hồ, giang sơn, Lại Giang). Quá giang có thể hiểu là “qua sông”. Nghĩa ban đầu của từ này là “đi nhờ [đò] sang sông”.