Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

THĂM NHÀ LƯU NIỆM CỤ PHAN CHÂU TRINH


Về thăm xứ Quảng Nam "chưa mưa đã thấm", du khách hãy ngược về vùng trung du, đến thăm nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, một trong những Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng của Quảng Nam.

Di tích nhà lưu niệm cụ Phan hiện nay tọa lạc trong một khu vườn xanh mát trên một sườn núi thuộc thôn Tây Hồ (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). 

Chính tại nơi đây, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã sinh ra và lớn lên. Đây cũng là nơi lưu dấu những kỷ niệm tuổi thơ của nhà chí sĩ, một trong những người đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực của nước ta ở đầu thế kỷ 20.

Chí sĩ Phan Châu Trinh tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc. Thân phụ là Phan Văn Bình, tham gia phong trào Cần vương, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (nay thuộc huyện Tiên Phước) phụ trách quân lương. Thân mẫu là Lê Thị Trung, quê làng Phú Lâm (Tiên Phước), là con nhà danh gia vọng tộc, thông thạo chữ Hán. Phan Châu Trinh mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi. Sau đó, quê nhà bị thực dân Pháp đốt cháy vì trấn áp phong trào Cần Vương, ông lên Tiên Phước theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ.

Sau khi thân phụ qua đời, Phan Châu Trinh trở về quê nhà, ở với anh là Phan Văn Cừ, tiếp tục đi học. Tại quê nhà, ông nổi tiếng thông minh học giỏi. Năm 27 tuổi, Phan Châu Trinh được tuyển vào trường tỉnh, học chung với các nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Từ đây, ông bắt đầu con đường hoạt động chính trị, xã hội. Và cũng chính từ quê nhà Quảng Nam, ông đã khởi xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân có ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội Việt Nam đương thời.

Năm 1926, cụ Phan mất ở Sài Gòn và được an táng tại đây. Ngay sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ đến con người tài trí hơn người, hết lòng vì dân vì nước, địa phương đã xây một ngôi nhà lưu niệm trên chính nền nhà cũ của ông. Ngôi nhà được xây theo kiến trúc cổ, gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, hài hòa trong khuôn viên có hàng cau giếng nước, hàng chè tàu, ngõ đá quanh co, theo kiểu nhà cổ Quảng Nam. Gian giữa trong nhà đặt bàn thờ cụ Phan, trên tường treo rất nhiều bức ảnh quý về gia đình cụ, cũng như ảnh cụ chụp chung với những người bạn Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, các chí sĩ yêu nước hoạt động cùng cụ trong phong trào Duy Tân, trong thời gian hoạt động tại Pháp…

Ngày nay, trải qua gần một thế kỷ, ngôi nhà lưu niệm cụ Phan vẫn luôn được người dân Tam Lộc và chính quyền địa phương trân trọng giữ gìn, trông nom như là cách bày tỏ tấm lòng tự hào, tri ân về người con ưu tú của quê hương, nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

TUẤN VŨ
Đăng báo Đắc Lắc ngày 28.7.2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét