Trong tiếng Việt, có 2 từ “hoài”. Đó là: (1) “hoài” với nghĩa “uổng, phí” (như trong “sống hoài sống phí”) và (2) “hoài” với nghĩa “mãi, không thôi, không dứt” (như trong “mưa hoài mưa mãi”, “nhớ nhau hoài”).
Ngoài ra, còn có một hình vị “hoài” với nghĩa khác. Nó chưa thành từ nên không tồn tại độc lập trong tiếng Việt. Tuy nhiên, hình vị này vẫn tham gia tạo từ và được dùng khá phổ biến. Đó là hình vị “hoài” trong các từ như “hoài cảm”, “hoài cổ”, “hoài niệm”…
Hình vị “hoài” như trên vốn có nguồn gốc từ tiếng Hán. Trong tiếng Hán, chữ “hoài” (bộ tâm; liên quan đến tình cảm, tinh thần) có hai nét nghĩa chính là “nhớ, nghĩ đến” và “ôm, ôm giữ trong lòng”. Khi vào tiếng Việt, hai nét nghĩa này gần như được bảo lưu hoàn toàn. Cho nên, ta có, “hoài cảm” là “nhớ thương và xúc động”, “hoài cổ” là “nhớ về điều đã cũ”, “hoài tưởng” là “tưởng nhớ”, “hoài vọng” là “mong nhớ”, “hoài nghi” là “ôm giữ lấy mối nghi ngờ”…
Với ý nghĩa “nghĩ đến, nhớ về, ôm giữ lấy”, “hoài” thường được dùng gắn với những giá trị tinh thần. Các nhà nho nước ta ngày xưa thường dùng hình vị này để đặt tên cho những tác phẩm nói chí, tỏ lòng của mình. Chẳng hạn, cụ Phạm Ngũ Lão có bài “Thuật hoài” (tạm hiểu là “kể về điều ôm giữ trong lòng”), cụ Đặng Dung có bài “Cảm hoài” (tạm hiểu là “cảm xúc về hoài bão trong lòng”)…
“Hoài” cũng thường được dùng để đặt tên người, tên đất. Ở Bình Định, có nhiều địa danh mang yếu tố “hoài” với nghĩa trên. Chẳng hạn, địa danh “Hoài Ân” có thể hiểu là “nhớ về công ơn”. Hoặc như địa danh “Hoài Nhơn” có thể hiểu là “nghĩ về điều nhân” (“nhơn” là biến âm của “nhân” do kị húy). Đây là tên gọi ra đời trong thời phong kiến, nói lên chủ trương “nhân trị” (cai trị bằng lòng khoan nhân) của chính quyền phong kiến nước ta.
Ở huyện Hoài Nhơn, hầu hết các tên xã đều có yếu tố “Hoài” (13/17 xã, thị trấn). Trong đó, phần lớn đều mang nét nghĩa “nhớ, nghĩ về”. Chẳng hạn, “Hoài Hương” có nghĩa là “nhớ về quê hương”, “Hoài Hải” có nghĩa là “nhớ về biển” (xã Hoài Hải tiếp giáp với biển), “Hoài Đức” có thể hiểu là “nghĩ về điều đức”, “Hoài Mỹ” có thể hiểu là “nghĩ về cái đẹp”…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định 3.1.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét