“Bất cập” là từ khá quen thuộc trong tiếng Việt hiện nay, nhất là trong ngôn ngữ báo chí. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp từ này bị dùng sai vì người viết/nói không nắm rõ nghĩa của nó.
Trong thói quen dùng từ nhiều người, “bất cập” có nghĩa là “không phù hợp, còn hạn chế, còn tồn đọng”. Cách hiểu này được dùng rất phổ biến, ngay cả trong ngôn ngữ báo chí. Chẳng hạn, báo TN ngày 2.12.2018 có bài “Bất cập trong hỗ trợ cô dâu Việt ở Hàn Quốc”; báo TT ngày 18.9.2018 có bài “Giao thông ở VN còn nhiều thách thức, bất cập”.
Vậy “bất cập” là gì mà hầu như ai cũng dùng nó với nghĩa như trên? Xin trả lời, đây là một từ Việt gốc Hán mà nghĩa đúng của nó hoàn toàn khác. Trong tiếng Hán, “bất” (bộ nhất) có nghĩa là “không, chẳng” (như trong bất nghĩa[không có nghĩa], bất công [không công bằng]); “cập” (bộ hựu) có các nghĩa “kịp, bằng, đến, tới, với” (“đến”, “tới” là những hư từ). “Kịp” trong tiếng Việt chính là biến âm của “cập” trong tiếng Hán. “Cập” không tồn tại độc lập trong tiếng Việt và xa lạ với tâm thức ngôn ngữ người Việt.
Như vậy, “bất cập” có nghĩa là “không bằng, không kịp, không đến”. Từ điển Hán Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) ghi nhận từ này có 2 nét nghĩa là 1. “Không kịp” và 2. “Không đủ mức cần thiết” (tr.63). Cho nên mới có cách dùng “lợi bất cập hại” (tức “cái lợi không bằng cái hại”) mà ta thường xuyên bắt gặp trên các mặt báo. Tuy nhiên, ngoài cách dùng này, “bất cập” ít được dùng trong tiếng Việt. Vì đây là một “kết hợp hạn chế” như Từ điển tiếng Việt(Sđd) đã chỉ ra.
Trong nghĩa gốc của “bất cập”, không hề có nét nghĩa “tồn đọng, hạn chế”. Không rõ bằng con đường nào mà nét nghĩa trên lại xuất hiện, để đến nỗi ngày nay cách dùng sai lại tràn lan. Thiết nghĩ, ta không nên lạm dùng từ này. Vì trước hết, ta hoàn toàn có thể thay thế nghĩa đúng của“bất cập” những tổ hợp tương đương trong tiếng Việt như “không bằng, không đến, không tới”.Với nét nghĩa, nội hàm diễn đạt mà nhiều người muốn dùng, “bất cập” có thể được thay bằng những cách dùng tương đương, nhưng rõ nghĩa, dễ sử dụng hơn rất nhiều như: “hạn chế”, “tồn đọng”...
Với những từ có nguồn gốc vay mượn, việc sử dụng một cách… “bất chấp” mà không quan tâm đến nghĩa gốc dẫn đến dùng sai chính là đã vô tình làm mất đi sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đăng trên mục "Chữ & Nghĩa", báo Bình Định ngày 27.12.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét