Đến thăm thành phố biển Nha Trang của xứ “trầm hương” Khánh Hòa, du khách đừng quên ghé thăm một địa chỉ văn hóa nổi tiếng ở nơi đây là tháp Bà Po Nagar.
Đến tháp Bà, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc đền tháp tuyệt mỹ của người Chăm xưa mà còn được xem những điệu múa Chăm truyền thống.
Theo các nhà nghiên cứu, Nha Trang - Khánh Hòa là thủ phủ Kauthara của địa khu Kauthara (thuộc Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay), một trong bốn địa khu quan trọng của vương quốc Chămpa. Qua những biến thiên của thời cuộc, người Chăm lui dần về phía Nam. Dấu ấn văn hóa nổi bật nhất mà người Chăm xưa còn để lại trên đất Khánh Hòa ngày nay là khu đền tháp nằm bên bờ sông Cái Nha Trang.
Tháp Po Nagar tọa lạc trên một khu đất khá rộng rãi, bằng phẳng của một ngọn đồi gần sông Cái, cao hơn 10 m so với mực nước biển, cách TP. Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc. Đây là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Chăm còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Tổng thể kiến trúc của tháp Bà gồm có ba tầng. Tầng thấp là ngôi tháp cổng nay không còn nữa. Tầng giữa gồm hai dãy cột bằng gạch, mỗi dãy có năm cột hình bát giác, đường kính hơn 1m và đều cao hơn 3 m. Hai bên dãy cột còn có 12 cột nhỏ và thấp hơn.
Theo các nhà nghiên cứu phỏng đoán, đây có thể là tòa nhà lớn có mái ngói, dùng để khách hành hương nghỉ chân và chuẩn bị lễ vật trước khi dâng cúng ở các điện trên tầng cao. Tầng cao là nơi các ngọn tháp được xây dựng, trong đó gồm tháp chính thờ thần Po Nagar (vợ của thần Siva, vị thần sáng tạo trái đất, cây cối và lúa gạo) và các tháp phụ thờ một số vị thần khác trong tín ngưỡng của người Chăm. Tháp Bà là một trong những công trình đẹp nhất trong hệ thống kiến trúc Chăm còn lại đến hiện nay.
Đến khu di tích tháp Bà, du khách còn được thưởng thức những điệu múa Chăm truyền thống do chính người Chăm biểu diễn. Hiện nay, cùng với đội nhạc công gồm 3 nghệ nhân áo trắng, đội múa Chăm phục vụ tại khu di tích tháp Bà gồm 5 thiếu nữ người Chăm có tuổi đời từ 19 đến 22. Họ là những cô gái Chăm có năng khiếu, được tuyển chọn và đào tạo bài bản từ làng Chăm ở Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Hằng ngày (trừ những khi mưa bão), đội múa Chăm đều biểu diễn phục vụ du khách. Múa Chăm tại tháp có nhiều loại như múa quạt, múa lu, múa đội lửa, múa âm dương, múa Apsara… tất cả đều trên nền nhạc truyền thống do đội nhạc công thể hiện. Theo nhiều du khách nhận xét, múa Chăm ở tháp Bà Po Nagar là nơi hiếm hoi không sử dụng “sân khấu hóa” và không chọn người Việt trong múa Chăm.Phục vụ cho một lượng du khách quốc tế rất lớn, múa Chăm tại tháp Bà Po Nagar đã góp phần giới thiệu nghệ thuật truyền thống này với thế giới.
Người Chăm quan niệm, múa là sợi dây tương thông giữa con người với thần linh. Do đó, múa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Chăm. Đến tháp Bà, du khách sẽ cảm nhận rõ rệt điều này. Dưới chân những ngọn tháp cổ nghìn năm, trong tiếng trống Ghinăng, trống Paranưng và kèn Saranai truyền thống rộn ràng, da diết, những vũ công Chăm với từng động tác lúc khoan thai, nhẹ nhàng, lúc duyên dáng, uyển chuyển, lúc mạnh mẽ, đắm say thực sự cuốn hút tất cả người xem.
Đến Nha Trang, sẽ chưa thật trọn vẹn nếu bạn chưa một lần đến chiêm ngưỡng quần thể tháp Bà Po Nagar và những vũ điệu Chămpa…
Phạm Tuấn
Bài đăng trên Báo Đắc Lắc ngày 11.5.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét