Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

VỀ QUẢNG NGÃI VÃN CẢNH CHÙA THIÊN ẤN (Bút danh Phạm Tuấn)




Đến Quảng Ngãi, sẽ chưa thật trọn vẹn nếu bạn chưa một lần lên núi vãn cảnh chùa Thiên Ấn. Đây là một trong những danh tự của tỉnh Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1990.

Thiên Ấn cổ tự tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, cách sông Trà Khúc và TP. Quảng Ngãi khoảng 3 km. Cùng với chùa Hoa Nghiêm (TP. Quảng Ngãi), chùa Ông Thu Xà (huyện Tư Nghĩa), chùa Hang (huyện đảo Lý Sơn), chùa Diêm Điền (huyện Sơn Tịnh), chùa Thiên Ấn là một trong những ngôi cổ tự lâu đời nhất ở xứ Cẩm Thành.

Theo một số tài liệu, chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694, hoàn thành cuối năm 1695, do thiền sư Pháp Hóa (1670-1754) sáng lập. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1716, đời vua Lê Dụ Tông ở Đàng Ngoài), chúa Nguyễn Phúc Chu (Đàng Trong), một người sùng đạo Phật, đã ban cho chùa biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Như vậy, từ khi khai sơn đến nay, chùa Thiên Ấn đã trải qua hơn 300 năm, với 15 đời trụ trì, trong đó có 6 vị được tôn là sư tổ, gọi chung là “lục tổ”.

So với các danh tự khác, chùa Thiên Ấn có kiến trúc đơn giản hơn. Nhà phương trượng của chùa được xây theo kiến trúc nhà rường. Trong khuôn viên chùa có giếng cổ sâu hơn 50 thước, xây bằng đá ong đẽo nhẵn, nước ngọt và trong, gọi là giếng Phật, tương truyền do sư tổ của chùa tự đào trong suốt 20 năm, đến khi giếng hoàn thành thì sư viên tịch. Trong chùa còn có một chuông đồng lớn, tục gọi chuông Thần, được thỉnh về từ làng đúc đồng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Điểm đặc biệt nhất của ngôi cổ tự này là địa thế trên đỉnh Thiên Ấn,một ngọn núi linh thiêng trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi.


Phía đông của chùa, nằm dưới hàng cây cổ thụ là các ngôi bảo tháp, nơi an táng các vị sư tổ và sư trụ trì của chùa. Trong chùa còn có nhiều hạng mục mới xây như vườn cây Lâm tì ni, bảo tháp 9 tầng, tượng Quan Âm Bồ Tát… Cũng trên đỉnh Thiên Ấn, gần chùa theo hướng tây là phần mộ của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được người dân địa phương an táng vào năm 1947. Cùng với chùa Thiên Ấn, mộ cụ Huỳnh đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Vãn cảnh chùa Thiên Ấn, du khách như lạc vào cõi thiền giữa cảnh núi rừng tĩnh mịch, không khí trong lành, không gian yên ắng, khoáng đãng khiến lòng người thư thái, thanh tịnh như được gọt rửa hết bụi trần. Đỉnh núi Thiên Ấn bằng phẳng, có nhiều loại cây ăn quả, các hàng cây cổ thụ và những con đường len lỏi giữa núi rừng, là nơi bộ hành thưởng cảnh lý tưởng. Từ chùa Thiên Ấn nhìn về phía sông Trà Khúc, cả một vùng rộng lớn như thu vào tầm mắt, du khách sẽ cảm được hết tình quê hương, non nước của người Quảng Ngãi trong câu ca dao đã từ lâu đi vào tâm thức con người nơi đây: Ai về núi Ấn, sông Trà/Có thương cô bậu ghé nhà mà thăm.

Về Quảng Ngãi, du khách hãy tạm gác lại những bề bộn cuộc sống, một lần lên đỉnh non thiêng vãn cảnh chùa Thiên Ấn. Rời khỏi chốn đô thị ồn ào, lên Thiên Ấn lạc vào cõi Phật, bạn sẽ thấy lòng mình an yên, thư thái hơn nhiều…

Phạm Tuấn
Bài đăng trên Báo Đắc Lắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét